Chọn ngành, chọn nghề được coi là một trong những quyết định quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Nếu chọn đúng hướng, bạn sẽ có cơ hội phát triển bản thân, làm công việc mình muốn và sống một cuộc đời ý nghĩa, nhưng ngược lại, nếu chọn sai, thì “sai một ly đi một dặm”, con đường sự nghiệp của bạn sẽ đầy trắc trở, chông gai. Tuy nhiên, đứng trước nhiều ngã rẽ, mông lung và thiếu trải nghiệm sẽ rất dễ làm bạn đưa ra những quyết định sai lầm. Cùng KLE phân tích 3 sai lầm phổ biến dưới đây:
1. Chọn ngành hot – nghề nhiều người theo đuổi
Quan điểm chạy theo xu hướng là một điểm mạnh đã làm cho rất nhiều bạn trẻ mắc sai lầm trong việc xác định ngành nghề mình muốn theo đuổi. Thực chất, nó sẽ là điểm mạnh nếu ngành nghề đó phù hợp với tính cách, sở thích và năng lực của bạn, nhưng ngược lại nó sẽ là điểm yếu thậm chí là một “hố đen” nếu bạn không phù hợp với ngành học.
Ngành học hot là những ngành thường có tỉ lệ cạnh tranh rất cao khi bạn bước chân vào thị trường lao động, người người nhà nhà học ngành đó, vì vậy dẫn đến vấn đề là cung nhiều trong khi cầu thấp, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra những tiêu chí tuyển chọn khắt khe hơn. Vậy thì, bạn sẽ bị loại ngay lập tức nếu bạn không phải là một ứng viên nặng kí trên thị trường. Sai lầm này sẽ rất dễ làm bạn cảm thấy chán nản, mất định hướng và rơi vào bế tắc.
2. Chọn ngành theo mong muốn của người thân
Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy đã không còn là vấn đề quá xa lạ trong văn hóa của người Việt. Tình trạng này thường xảy ra ở những bạn trẻ không biết mình muốn gì, cần gì, luôn phụ thuộc vào gia đìấh, vì vậy thay vì đi tìm hiểu bản thân hợp với ngành nghề nào thì các bạn lại lựa chọn theo quyết định, mong muốn của cha mẹ mình.
Về mặt tích cực, cha mẹ sẽ luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất dành cho con cái, như theo học trường top đầu, làm những công việc danh giá, có tiềm năng phát triển, kiếm được nhiều tiền, nhưng ở một khía cạnh khác, những đứa con nghe lời ấy sẽ rơi vào khủng hoảng, chán nản, mất động lực khi chúng “phải” học và làm những thứ chúng không thích hay đam mê. Kết quả là, chúng có thể bị “đứt gánh giữa đường” hoặc phải sống bí bách với công việc đó trong một thời gian dài.
3. Chọn ngành mà không quan tâm nhu cầu của xã hội
Nhiều bạn cho rằng, chỉ cần chọn nghề phù hợp với tính cách, sở thích của bản thân là được. Quan điểm này đúng nhưng chưa đủ vì xu hướng phát triển của ngành sẽ quyết định cơ hội việc làm của bạn sau khi ra trường. Bạn có dễ dàng kiếm được công việc đúng ngành hay không phụ thuộc phần lớn vào thị trường phát triển của ngành lúc bấy giờ. Vì vậy, hiện nay tỉ lệ các bạn sinh viên ra trường làm trái ngành rất lớn. Nguyên nhân một phần cũng là do lầm tưởng này.
Vậy phải làm sao để tránh được những lỗi sai này trong quá trình lựa chọn ngành nghề ?
1. Tìm hiểu năng lực và thế mạnh của bản thân
Thay vì chỉ đơn thuần chạy theo xu thế hay nghe theo sự sắp đặt của bố mẹ, thì bạn hãy chủ động đi tìm hiểu bản thân, biết mình mạnh ở đâu, yếu ở chỗ nào, mình mong muốn gì, mình cần gì, từ đó xác định mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Việc theo đuổi một công việc phù hợp với sở thích và thế mạnh của bản thân, sẽ giúp bạn có động lực phát triển tốt hơn, dễ dàng thăng tiến và đạt được những thành tựu
2. Tăng cường trải nghiệm
Muốn hiểu một thứ gì đó tường tận, bạn cần phải có trải nghiệm về nó. Muốn biết được mình hợp với ngành nghề nào, hãy đi trải nghiệm thật nhiều, ví dụ như, bạn có thể đi thực tập ở những vị trí khác nhau để hiểu tính chất công việc, ưu và nhược điểm của nó, đồng thời, biết được bản thân có thật sự yêu thích nghề hay không, có tiềm năng phát triển không. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham gia các hội thảo, các hoạt động ngoại khóa nghe chia sẻ của những anh chị đi trước, có góc nhìn đa chiều về nghề cũng sẽ giúp bạn tìm ra được công việc chân ái cho bản thân mình.
3.Tìm hiểu rõ nhu cầu thị trường
Nhu cầu thị trường là một yếu tố quan trọng, việc đón đầu được thị trường và nắm bắt được xu thế sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu nghề nghiệp dễ dàng hơn. Vì vậy, hãy luôn cập nhật thông tin, không ngừng tìm hiểu xu hướng các ngành nghề khác nhau, nhu cầu thị trường như thế nào và nhanh chóng, kịp thời thích nghi với những sự đổi mới.
Tóm lại, xu hướng phát triển ngành quan trọng nhưng cũng rất dễ bị bão hòa với tỉ lệ cạnh tranh cao, vì vậy bạn hãy biết cân bằng giữa sở thích, đam mê của bản thân và nhu cầu thị trường của ngành trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp bạn nhé!