Ai cũng cần có một Mentor trong sự nghiệp

Khi còn là tân sinh viên, chắc hẳn nhiều bạn vẫn còn lạ lẫm và bỡ ngỡ khi bước vào một môi trường học tập mới, lần đầu tiên rời xa gia đình, bắt đầu cuộc sống tự lập ở một thành phố xa lạ. Cảm giác hụt hẫng, hoang mang ấy lại càng mạnh mẽ khi chúng ta chưa có được định hướng rằng mình sẽ làm gì trong tương lai. Đó chính là lúc chúng ta cần có sự giúp giúp đỡ từ một người Mentor.

Mark Zuckerberg cũng có một người Mentor quan trọng và đó chính là Steve Jobs. Chính những lời khuyên và truyền cảm hứng đó mà Mark đã “hướng đông” (go east) và thay đổi cả định hướng quan trọng của Facebook. Vậy Mentor là gì? Tại sao Mentor lại quan trọng như thế? Sinh viên có cần tìm kiếm một người Mentor cho mình hay không? Hãy dành chút thời gian cho bài viết này và cùng suy nghĩ nhé!

1. Mentor là gì?

Trong tiếng Anh, mentor được dịch là người cố vấn, người hỗ trợ ở bất cứ lĩnh vực nào từ kinh doanh, học tập hay trong công việc. Người đóng vai trò mentor sẽ giám sát, hướng dẫn bạn, tư vấn hỗ trợ, đưa ra các lời khuyên, bao gồm cả tâm lý để tạo bước phát triển cho người được cố vấn, gọi là mentee.

Mentor không chỉ là người thầy giúp bạn giải quyết các vấn đề bạn quan tâm mà còn là những người bạn luôn lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn bạn gặp phải, một số biểu hiện cụ thể như:

  • Mentor giúp bạn hiểu được bản thân mình đang tiến lên hay là thụt lùi. Họ là người luôn sát cánh nên sẽ nhìn rõ được điểm mạnh, điểm yếu và đánh giá được kết quả của bạn.
  • Mentor là những người đi trước và có kinh nghiệm, đã trải qua những thành công và thất bại trước bạn, họ sẽ dành cho bạn những lời khuyên đúng đắn và phù hợp ở từng thời điểm.

Mentor đóng vai trò vô cùng quan trọng nếu bạn đang trong giai đoạn lựa chọn nghề nghiệp tương lai, cung cấp thông tin, tư vấn cho bạn con đường mình đi đã phù hợp hay chưa. Trong các giai đoạn tiếp theo, khi những thử thách trong học tập, thi cử,… bắt đầu nảy sinh thì các Mentor sẽ là người hỗ trợ bạn giải quyết các vấn đề đó.

2. Sinh viên cần có Mentor ở giai đoạn nào?

Có nhiều bạn cho rằng chỉ đến khi chúng ta bắt đầu tiếp cận với các môn chuyên ngành từ năm 3 thì mới cần Mentor vì trước đó các môn đại cương không cần thiết có người định hướng. Trên quan điểm cá nhân thì sinh viên nên tìm kiếm cho mình 1 người Mentor càng sớm càng tốt, ngay từ năm đầu đại học chính là sự khởi đầu suôn sẻ, bởi vì:

“Failing to plan is planning to fail”: khi bạn mới bước chân vào một một trường mới lạ và cảm thấy bỡ ngỡ, hoang mang, mất phương hướng thì đây là lúc người Mentor sẽ giúp bạn có định hướng, xác định mục tiêu nghề nghiệp, thiết kế lộ trình học tập và hoạt động để đạt mục tiêu đó.

Chuẩn bị sớm là một lợi thế: khi có kế hoạch từ sớm và có Mentor sát sao, bạn sẽ không bỏ lỡ mất thời gian trong quá trình học tập, thi cử, chuẩn bị hành trang cho công việc trong tương lai. Đối với kiểm toán, ngay từ năm 2, năm 3, chúng ta đã có thể tiếp cận với các cơ hội thực tập sớm trong các công ty Big4 nếu có sự chuẩn bị đầy đủ và kịp thời. Hoặc thậm chí ngay từ năm nhất, khi bạn thu xếp được nhiều thời gian rảnh và muốn tăng cường trải nghiệm để cải thiện kỹ năng mềm, thì mentor sẽ cho bạn một nhận thức đúng về tầm quan trọng của kỹ năng mềm và cách thức trang bị.

3. Văn hóa Mentor – Mentee

Mối quan hệ Mentor – mentee có nét tương đồng với những người đồng đội trong một cuộc thi chạy tiếp sức. Người đi trước (mentor) dùng hết sức trẻ của mình để chạy đến gặp người kia, giao lại cho họ (mentee) cây gậy truyền tín, là di sản kiến thức lẫn kỹ năng được truyền qua nhiều thế hệ. Người kia lại tiếp tục dùng sức trẻ để chạy đến gặp một người khác nữa… cho đến khi hết đường chạy.

Chính nhờ những mối quan hệ này mà chất lượng nhân sự mỗi ngành nghề đều được phát huy chứ không mai một. Muốn làm nên sự nghiệp lớn lao, không thể chỉ phụ thuộc vào sức cá nhân mà còn phụ thuộc vào những người đi trước, những người đi sau. Đấy là lý do mà mỗi người nên vừa có một Mentor, vừa là một Mentor cho người khác trong hành trình sự nghiệp của mình.