CÁC VĂN BẢN HIỆN HÀNH SINH VIÊN KẾ – KIỂM CẦN BIẾT

Khi học các môn liên quan đến kế – kiểm, thuế ở trên trường, bạn sẽ thấy phần tài liệu tham khảo luôn liệt kê một số văn bản, bên cạnh nội dung trong giáo trình. Đối với kế toán, đó là Luật kế toán, Chuẩn mực kế toán, Thông tư hướng dẫn Chế độ kế toán. Đối với kiểm toán, đó là Luật, Chuẩn mực kiểm toán. Đối với thuế, đó là Luật thuế, Nghị định, và Thông tư hướng dẫn thi hành.

Việc tìm hiểu những văn bản này sẽ giúp cho bạn rất nhiều lợi thế. Một phần do thời lượng học trên trường tương đối ngắn nên chúng ta buộc phải đọc thêm nếu muốn hiểu sâu các vấn đề về kiến thức chuyên ngành. Mặt khác, dân kiểm toán sẽ làm việc dựa trên nội dung trong văn bản chứ không dựa trên thứ gọi là “cảm tính” hay tra cứu thông tin ở những nguồn thông tin không đáng tin cậy. Trong bài viết này, hãy cùng điểm qua những văn bản hiện hành mà sinh viên kế kiểm nên tìm hiểu, để có sự chuẩn bị tốt nhất khi bước vào môi trường làm việc nhé.

1. Kế toán

Tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, các văn bản còn hiệu lực là:

  • Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) bao gồm 26 chuẩn mực
  • Luật kế toán 2015
  • Thông tư hướng dẫn Chế độ kế toán cho các loại hình doanh nghiệp, phổ biến và thường áp dụng trong các chương trình giảng dạy là Thông tư 200, 202.

Trong số văn bản ở đây thì “kinh điển” nhất là Thông tư 200. Đây là văn bản có sự tổng hợp của một số quy định trong chuẩn mực, các hướng dẫn về nguyên tắc kế toán, cách hạch toán từng loại nghiệp vụ cụ thể và hướng dẫn lập và trình bày báo cáo tài chính. Nội dung trong Thông tư tương đối chi tiết nên khá dễ tiếp cận với các bạn sinh viên. Phần lớn doanh nghiệp đang áp dụng Thông tư 200 để hạch toán, do đó hãy học thuộc hệ thống số tài khoản trong đó nhé. Đừng để đến lúc đi làm thực tế, nhìn ma trận số tài khoản bên cột Nợ, Có mà lúng túng không biết cách xử lý thế nào.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã phê duyệt đề án áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam (Quyết định 345/QĐ-BTC). Hiện tại đang trong giai đoạn chuẩn bị, đến năm 2025 sẽ là giai đoạn áp dụng bắt buộc với một số loại hình doanh nghiệp. Hệ thống chuẩn mực IFRS luôn có sự cập nhật để phù hợp với bối cảnh kinh tế, tuy nhiên nội dung trong đó hoàn toàn là tiếng Anh và sẽ hơi khó tiếp cận với những người bắt đầu. Do đó tìm hiểu về IFRS có thể tạo nên lợi thế về đường dài, còn trong ngắn hạn thì vẫn cần hiểu rõ về những văn bản pháp quy đang áp dụng hiện hành nhé.

2. Kiểm toán

Việt Nam hiện tại đang áp dụng Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VSA), và chương trình học của các môn kiểm toán đều dựa trên hệ thống chuẩn mực này. Nội dung trong văn bản tương đối dài và bao phủ mọi khía cạnh của một cuộc kiểm toán, cũng như có nhiều nội dung phức tạp. Do đó các bạn có thể tham khảo dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Đến khi đi làm, được training và có trải nghiệm thực tế thì việc tham khảo sẽ đem lại nhiều giá trị hơn.

3. Thuế

Văn bản thuế vô cùng đa dạng và được cập nhật hàng năm, với nhiều thông tư mang tính chất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các thông tư cũ. Đối với các bạn sinh viên khi chưa có kinh nghiệm, một giải pháp hữu hiệu đó là sử dụng văn bản hợp nhất (VBHN). Trong đó là nội dung tổng hợp những điều luật còn hiệu lực áp dụng.

Tìm hiểu các sắc thuế nên được ưu tiên trước vì chúng sẽ góp phần bổ trợ cho các môn học liên quan, cũng như trong quá trình ôn thi tuyển dụng và khi đi làm. Một số văn bản có thể kể đến như:

  • Thuế Giá trị gia tăng: Văn bản hợp nhất số 67/VBHN-BTC
  • Thuế Thu nhập doanh nghiệp: Văn bản hợp nhất số 66/VBHN-BTC
  • Thuế Thu nhập cá nhân: Văn bản hợp nhất số 68/VBHN-BTC
  • Thuế nhà thầu: Thông tư 103/2014/TT-BTC
  • Thông tư số 45/2013/TT-BTC Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định
  • Thông tư số 48/2019/TT-BTC Hướng dẫn trích lập và xử lý các khoản dự phòng
  • Các văn bản về luật quản lý thuế, quy định về hoá đơn chứng từ…

Để tìm đọc, các bạn có thể tham khảo từ nguồn có độ tin cậy cao như trang web thuvienphapluat.vn. Bên cạnh đó Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cũng ban hành công cụ tra cứu văn bản (Ebook) để các bạn tiện tham khảo. Đây cũng là nguồn tài liệu mà kiểm toán sẽ sử dụng khi đi làm thực tế.