Cách xác định mục tiêu nghề nghiệp theo nguyên tắc SMART

Năm 1960, Edwin Locke công bố lý thuyết thiết lập mục tiêu (Goal Setting Theory), theo đó khi nhân viên có mục tiêu và thử thách rõ ràng trong công việc thì họ sẽ tập trung và nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu đã đề ra. Vì vậy, việc thiết lập mục tiêu nghề nghiệp là một yếu tố rất quan trọng trong hành trình bạn đi tìm hướng đi đúng đắn trong tương lai. Tuy nhiên, không phải ai cũng thiết lập được mục tiêu rõ ràng và có phương hướng, động lực, trọng tâm để hướng tới. Vì vậy, hôm nay KLE sẽ giới thiệu cho các bạn phương pháp đặt mục tiêu theo nguyên tắc SMART giúp bạn có được mục tiêu cụ thể, khả thi, có thể đo lường, thực tế và có thể kiểm soát thời gian.

 

SMART cấu tạo từ chữ viết tắt của 5 yếu tố quan trọng, bao gồm:

Specific – Cụ thể: Hãy xác định mục tiêu nghề nghiệp một cách cụ thể, chi tiết và dễ hiểu Khi mục tiêu cụ thể, từng đường đi nước bước sẽ hiện ra rõ ràng giúp bạn không phải mò đường hay đi mãi vẫn chỉ là một vòng luẩn quẩn. Bạn sẽ biết đích đến của mình ở đâu và bản thân cần làm gì để cán đích thành công.

 

Ví dụ: bạn muốn trở thành bác sĩ thì bạn cần xác định rõ mình sẽ trở thành bác sĩ lĩnh vực nào, bác sĩ ngoại khoa hay bác sĩ da liễu, …, bạn cần thi và học trường nào, trong bao nhiêu năm, bạn cần học thêm những chứng chỉ nào, bạn cần đi thực tập đủ bao nhiêu giờ. Khi biết rõ mình muốn gì, bạn sẽ biết mình cần làm những gì để đạt được mục tiêu đó.

 

Measurable – Tính đo lường: Một mục tiêu lý tưởng là một mục tiêu có thể đo lường được, đánh giá được qua các mốc thời gian. Tương tự, khi bạn đặt mục tiêu nghề nghiệp, bạn cần phải cân nhắc mục tiêu ấy có đo lường được không. Những con số cụ thể là đòn bẩy thúc đẩy tinh thần, động lực giúp bạn nỗ lực hết mình đạt được điều mình muốn. Ngược lại, nếu mục tiêu mơ hồ, mông lung, bạn sẽ không thể biết mình đang đi đến đâu rồi, liệu bạn có tiến bộ không, dần dẫn đến chán nản và dễ bỏ cuộc.

 

Ví dụ như thay vì bạn có mục tiêu trở thành nhân sự giỏi trong lĩnh vực kinh doanh, thì bạn nên có mục tiêu tích lũy đủ 5 năm kinh nghiệm để được thăng chức lên trưởng phòng kinh doanh. 

 

Achievable – Tính khả thi: Mục tiêu nghề nghiệp cần được xác định dựa trên năng lực của bản thân. Bạn cần phải hiểu rõ thế mạnh và điểm yếu của bản thân, biết mình là ai, khả năng của mình ở đâu để đưa ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn phù hợp. Việc thiết lập một mục tiêu quá cao sẽ phản tác dụng, khi không đạt được sẽ làm bạn mất niềm tin vào bản thân, nghi ngờ chính mình và mất phương hướng.

Tuy nhiên, đặt một mục tiêu quá dễ và đơn giản sẽ làm bạn chủ quan, khó có thể phát triển khi không có thử thách. Vì vậy, hãy cân bằng giữa khả năng của bản thân và tính thử thách của mục tiêu, để bạn có thể khám phá tiềm năng tối đa của mình.

Ví dụ, quay trở lại với mong muốn trở thành bác sĩ nhưng bạn lại không học được các môn tự nhiên như toán, lí, hóa, sinh, do đó bạn cần xem xét lại khả năng của mình phù hợp với lĩnh vực nào. Bạn là một học sinh giỏi văn, vậy bạn có thể cân nhắc các mục tiêu trở thành content writer, hay nhà báo, …

Relevant – Thực tế: Tính thực tế cũng có nghĩa là khả năng thực hiện. Vì vậy khi lựa chọn mục tiêu nghề nghiệp, bạn cần xem xét các yếu tố như nguồn lực, thời gian, con người, … sao cho mục tiêu bạn đưa ra phù hợp với thực trạng hiện tại, tránh những mục tiêu viển vông, thiếu cơ sở.

Chẳng hạn như bạn muốn mở cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trong 1 năm tới với số vốn khoảng 500 triệu, nhưng bạn lại muốn thuê mặt bằng lớn, ở vị trí đắc địa với chi phí thuê 200 triệu/tháng, đây là một mục tiêu “trên mây” vì với số vốn nhỏ như vậy, bạn cần tập trung vào nguồn hàng trước, sau đó mới là chi phí mặt bằng, việc chi 2/5 số vốn vào mặt bằng là không cần thiết vì bạn còn cần thanh toán cho nhiều khoản chi phí khác nữa như chi phí nhân công, chi phí bán hàng, chi phí quản lý,….

Time – bound – Giới hạn thời gian: Bạn cần có một giới hạn thời gian cho việc hiện thực hóa mục tiêu. Đặt ra thời gian cụ thể sẽ giúp bạn kỉ luật và có động lực hoàn thành mục tiêu một cách nhanh chóng. Điều này cũng cho bạn biết mình đang ở đâu và sử dụng thời gian một cách hiệu quả. Ví dụ như bạn có mục tiêu là trở thành audit senior trong 3 năm.

 

Ứng dụng nguyên tắc SMART để xác định mục tiêu nghề nghiệp

Ví dụ: mục tiêu trở thành bác sĩ

– Specific (Cụ thể): Bạn muốn trở thành bác sĩ da liễu

– Measurable (Tính đo lường): Để trở thành bác sĩ da liễu, bạn cần học 6 năm đại học và 3 năm bác sĩ nội trú

– Achievable (Tính khả thi): Bạn là học sinh giỏi Lí, Hóa, Sinh và bạn có đủ khả năng thi đỗ vào trường đại học Y Hà Nội

– Relevant (Tính thực tế): Bạn muốn trở thành bác sĩ da liễu để chữa bệnh cho nhiều người, và có được nguồn thu nhập tốt

– Time – bound (giới hạn thời gian): Trong 3 tháng tới bạn cần thi đỗ trường đại học Y Hà Nội

Kết luận

Trên đây là cách xác định mục tiêu nghề nghiệp theo nguyên tắc SMART. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình đặt ra mục tiêu nghề nghiệp để theo đuổi trên con đường sự nghiệp sau này!