Chi tiết kinh nghiệm từ cuộc thi The Audit Race 2020 của Á quân Phạm Thị Minh Lý

The Audit Race 2020

Các cuộc thi dành cho sinh viên luôn là cơ hội tốt để các bạn trải nghiệm. Không chỉ dừng lại ở việc trau dồi kiến thức chuyên môn, các bạn sẽ có cơ hội giao lưu mở rộng mối quan hệ, rèn luyện kỹ năng mềm, từ đó đo lường năng lực bản thân và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu. Dưới đây là bài review cuộc thi The Audit Race 2020 được tổ chức tại trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân, dưới góc nhìn của bạn đã đạt giải cao trong cuộc thi.

The Audit Race 2020

 

1. Vòng 1: Mở đơn

Thời gian mở đơn cho vòng này khá ngắn, từ ngày 12/10 đến hết ngày 21/10. Các bạn sẽ điền link đăng ký vào trang web của BTC, trong đó có một số thông tin cơ bản và yêu cầu nộp CV. Cá nhân mình thấy đây là cơ hội tốt để tự chuẩn bị CV cho mình một cách chuyên nghiệp. Vì khi chuẩn bị lần đầu, các bạn sẽ mất nhiều thời gian suy nghĩ xem thông tin nào nên đưa vào, câu chữ viết ra làm sao. Nếu chuẩn bị tốt bước này thì bạn sẽ tiết kiệm tương đối thời gian cho Application form của các firm, khi kỳ tuyển dụng đến gần.

Sau khi nộp đơn thành công, sẽ không có mail thông báo đã nộp nhưng sẽ có mail thông báo pass vòng 1. Cuộc thi dành cho sinh viên năm 3 và số lượng lấy vào test online như BTC đã thông báo là 300 người, nên mình nghĩ nếu chuẩn bị CV thật tốt thì có thể tự tin vượt qua vòng này, do đây sẽ là điểm phân hoá các thí sinh rõ ràng.

 

2. Vòng 2: Test Online

Các thí sinh trong Top 300 sẽ trải qua bài Test kiến thức Online trong thời gian 35 phút, gồm 45 câu hỏi về các chủ đề: Kế toán – Kiểm toán – Thuế, IQ, kiến thức xã hội bằng tiếng Anh. Khi nhận được mail báo pass, BTC sẽ gửi bản Demo Test bao gồm các dạng câu hỏi sẽ xuất hiện trong vòng 2, để các thí sinh có thể làm quen với đề Test.

Đến giờ thi, các bạn sẽ tập trung tại Zoom và được BTC theo dõi trong suốt quá trình làm bài. Nền tảng sử dụng làm bài thi là trang web và luôn ở trạng thái full screen. Nếu sử dụng phím Esc hoặc tổ hợp phím Alt + Tab thì bài thi sẽ bị huỷ, để đảm bảo tính công bằng cho tất cả thí sinh.

Nội dung đề thi theo cá nhân mình thấy thì cũng không quá phức tạp, do trung bình mỗi câu chỉ có 45 giây để trả lời và hơn 1 phút kiểm tra lại. Các câu hỏi về kế toán tài chính có nhiều điểm tương đồng với kiến thức môn F3 ACCA, phần kiểm toán sẽ hỏi một số khái niệm như: rủi ro kiểm toán, thủ tục kiểm toán… phần thuế có các câu hỏi cơ bản về thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó là các câu hỏi IQ dạng đoán quy luật hình vẽ và điền vào chỗ trống, cũng như 2-3 câu hỏi về verbal reasoning.

 

3. Vòng 3: Thử thách Case Study

Mở đầu, các thí sinh sẽ tham gia buổi Networking & Training với mục đích hỗ trợ cho vòng thi. Trong buổi training đó, các bạn sẽ có cơ hội làm quen với các thí sinh khác cũng như đồng đội của mình, được Trainer chia sẻ kiến thức, được giải và thuyết trình thử một case study nhỏ, và được gặp các Mentor – người sẽ hướng dẫn, tư vấn cho các đội thi trong chặng đầu tiên.

Với chặng 3.1, mỗi đội sẽ có 6 thành viên và được giao nhiệm vụ giải case, làm powerpoint trong vòng 3 ngày. Với mình đây là một trải nghiệm vô cùng thú vị, vừa được tiếp xúc với người mới, vừa được trải nghiệm kỹ năng làm việc nhóm dưới áp lực thời gian thực sự. Chủ đề case study của chặng này liên quan đến đánh giá rủi ro, thủ tục kiểm toán… đối với doanh nghiệp áp dụng IAS/IFRS. Có một số phần liên quan đến các IAS phức tạp, ít được đề cập trên trường học nên nhóm mình đã dành hơn một ngày để nghiên cứu. Case study khá dài nên bọn mình phải tranh thủ mọi thời gian rảnh để làm việc cùng nhau, có hôm ngồi đến lúc quán cafe gần đóng cửa.

Dù đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa an tâm về câu trả lời, do đó chúng mình phải nhờ đến mentor để hỗ trợ, giải đáp giúp nhóm những khó khăn gặp phải trong quá trình giải đề. Thời gian thi của chặng 3.1 là vào tháng 11, đúng mùa Interim của kiểm toán, mentor của các nhóm đều là Senior nên khá bận. Nhóm mình cũng biết điều này nên đã thống nhất rằng: khi thắc mắc về vấn đề gì thì phải chủ động tìm hiểu câu trả lời trước, sau đó confirm lại với mentor, tránh để bài làm trắng.

Tại sao cần tránh điều này là vì mentor sẽ đánh giá từng bạn trong quá trình làm việc, có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả vòng thi, do đó cần chủ động trong khâu chuẩn bị. Thứ hai là mình đã từng trải nghiệm trường hợp tương tự rồi, chỉ nghe mà không có phản hồi thì không thể nhớ được, chưa nói đến việc hiểu đến mức độ nào. Trong khi thời gian của đôi bên là có giới hạn nên chủ động vẫn là cách tốt nhất.

Đến ngày thuyết trình, tâm trạng chung là hồi hộp vì phần lớn các bạn đều tham gia cuộc thi tầm cỡ lớn như vậy lần đầu. Mỗi đội chỉ có 10 phút thuyết trình, tính ra mỗi người chỉ có hơn 1 phút để nói. Do đó bài làm của nhóm mình dù có dài nhưng khi làm powerpoint và luyện nói, chúng mình đã nén thông tin xuống hết mức có thể, thậm chí phải luyện nói với nhau khoảng 1,2 ngày cuối trước khi thi.

Cuối cùng không chỉ riêng nhóm mình, mà các nhóm khác vẫn không thể hoàn thành bài thuyết trình, đa phần là còn sót vài ý cuối. Ban giám khảo cũng nhận xét rằng các nhóm đang đọc rap chứ không phải thuyết trình. Dù đã rất cố gắng nhưng có lẽ với yêu cầu của cuộc thi thì đây chưa phải là tốt, cần phải rút kinh nghiệm cho những tình huống có thể xảy đến trong tương lai.

Chặng 3.2 cũng là giải case study, nhưng có điểm khó hơn chặng 3.1 là mỗi đội 3 người sẽ phải brainstorm + giải đề trong 40 phút, sau đó thuyết trình trước ban giám khảo mà không có sự giúp đỡ của mentor hay sử dụng thiệt bị điện tử. Như vậy trước khi vòng thi diễn ra thì mọi kiến thức liên quan đến case đều phải có trong đầu rồi. Đề thi hôm đó thực sự rất dài, trong đó số liệu tài chính đều là các con số ngàn tỷ trở lên nên chúng mình hơi ngợp và phải mất gần 10 phút để đọc và phân tích đề.

Các câu hỏi trong chặng này cũng xoay quanh chủ đề kiểm toán nhiều hơn chặng 3.1 nên khả năng đưa ra câu trả lời của nhóm mình cũng không được trọn vẹn như lần trước. So với chặng đầu thì yêu cầu về kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề dưới áp lực thời gian trong chặng này đã ở một tầm hoàn toàn khác. Trải nghiệm qua vòng này mình rút ra bài học rằng: kết quả của nhóm cần được ưu tiên lên hàng đầu, nếu chỉ tranh cãi mà không có giải pháp cụ thể thì đây sẽ cuộc chiến không hồi kết và kéo kết quả của nhóm về con số 0.

TAR2020

 

4. Vòng 4: Đêm Chung Kết

Chặng 4.1:  Giải Case study nhóm: Top 06 thí sinh được chia làm 2 đội, mỗi đội 3 thí sinh. Các đội thi sẽ nhận Case study, giải đề và phản biện để tìm ra Top 04.

Mỗi nhóm có 2 ngày để vừa hoàn thành giải đề, chuẩn bị slides thuyết trình, bản thảo trả lời chi tiết rồi nộp cho BTC và không được điều chỉnh gì thêm. Đây thực sự là 2 ngày căng não, áp lực nhất đối với mình vì chỉ có 2 ngày nên cả nhóm gặp mặt nhau liên tục để cùng làm đề, chia việc làm slides và thuyết trình. Case study của chặng này thường rất dài, rộng nhưng thời gian thuyết trình trên sân khấu lại cực ngắn.

Kinh nghiệm mình rút ra đó là luôn chủ động khi làm việc nhóm, ngoài việc chuẩn bị lời giải cho case study thật tốt thì phải hiểu những gì đội mình làm, dự đoán các câu hỏi mà BGK có thể đặt ra. Lúc thuyết trình cần bình tĩnh cũng như tập trung vào bài thuyết trình của đội còn lại để nắm bắt và đặt câu hỏi phản biện, đặt được câu hỏi hay sẽ giúp bạn ghi điểm và có lợi thế lớn. Khi trả lời câu hỏi của BGK cũng đừng đợi có câu trả lời hoàn hảo mới phát biểu, cũng như nhờ BTC chuẩn bị đầy đủ mic cho từng người để không bị mất cơ hội nói nhé.

Chặng 4.2: Trả lời gói câu hỏi: 04 thí sinh sẽ lựa chọn và trả lời gói câu hỏi. Top 03 thí sinh có số điểm tổng chặng 4.1 và 4.2 cao nhất sẽ bước tiếp vào chặng 4.3

Chặng này trước khi đến đêm chung kết cần hỏi rõ BTC về thể lệ, cách tính thời gian cho các câu hỏi: được trả lời khi nào (trong thời gian suy nghĩ hay hết thời gian hiển thị trên màn hình). Chặng này cũng cần có chiến lược về điểm số cho mình, nhớ ghi lại điểm số của 3 người chơi còn lại để tính toán và đưa ra quyết định lựa chọn gói câu hỏi một cách hợp lý. Các câu hỏi có nội dung xung quanh về kiến thức kế toán, kiểm toán, thuế, xã hội… và cần trả lời trong thời gian ngắn nên tập trung cho câu hỏi và trả lời ngắn gọn thôi.

Chặng 4.3: Hùng biện: 03 thí sinh sẽ cùng hùng biện về 01 chủ đề mà BTC cho trước. BGK sẽ đánh giá và cho điểm các thí sinh.

Chủ đề của chặng này sẽ được BTC đưa cho thí sinh ngay trước đêm chung kết nên thời gian chuẩn bị không có nhiều, thậm chí có thí sinh không chuẩn bị gì (vì đang bận chuẩn bị cho phần thuyết trình ở chặng 4.1 với cả đội, hoặc không nghĩ rằng có thể tiến xa đến top 3…). Tuy nhiên, mình nghĩ đã đến được đêm chung kết thì vẫn nên chuẩn bị chu đáo cho tất cả mọi trường hợp.

Chủ đề của chặng 4.3 thường là một vấn đề nổi bật nào đó trong lĩnh vực kế kiểm. Do vậy, điều đầu tiên là cần tìm hiểu về chủ đề BTC đưa ra về nội dung, thực trạng, quan điểm của bản thân. Đặc biệt cần liên hệ vấn đề đó với các thông tư, chuẩn mực, các quy định pháp luật có liên quan, sự kiện thực tế xảy ra để tăng tính thuyết phục cho bài hùng biện của mình và bài nói cũng cần có hệ thống, cần nói rõ những điểm mình sẽ nói trước khi bắt đầu bài hùng biện.

Khi tham gia chặng cuối cùng này, top 3 lần lượt ra sân khấu thể hiện bài nói của mình và các thí sinh khác sẽ được đi “cách ly” để đảm bảo sự khách quan. Trong thời gian “cách ly” cần hệ thống lại bài nói của mình, ghi nhớ những điều quan trọng cần trình bày. Khi thể hiện trên sân khấu cần hùng biện một cách mạch lạc, rõ ràng, thể hiện quan điểm của mình một cách nhất quán xuyên suốt cả bài trình bày. Thể hiện tính cách, cảm xúc của mình vào bài nói là một điểm cộng.

Cuối cùng, nhớ ước lượng thời gian nói hợp lý vì BTC chỉ cho 2 phút trình bày cho mỗi người nên đừng quá dài dòng, tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột mà không thể hiện câu trả lời trọng tâm cho vấn đề được đưa ra. Sau khi thể hiện bài hùng biện, thí sinh sẽ được BGK đưa ra câu hỏi liên quan đến bài trình bày của mình. Các câu hỏi này mình có thể dự đoán trước ở nhà và chuẩn bị câu trả lời, điều quan trọng là trả lời cần nhất quán với bài nói trước đó và giữ vững quan điểm cá nhân. Điều này thể hiện rằng bạn rất hiểu về bài nói của mình, cũng như xây dựng được lập trường vững chắc cho các luận điểm được trình bày.