Vào ngày 17/6/2021, Smart Train đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Giải pháp áp dụng IFRS – Các lưu ý chuyển đổi từ VAS sang IFRS” với sự góp mặt của các diễn giả là đại diện Bộ Tài chính và các chuyên gia. Sau đây là một số nội dung chính tổng hợp từ buổi hội thảo.
1. Về quá trình dịch và ban hành chuẩn mực IFRS áp dụng tại Việt Nam
Hệ thống chuẩn mực về cơ bản đã được dịch xong, tuy nhiên sẽ cần trải qua quá trình soát xét nghiêm ngặt, do Việt Nam chưa có nhiều giao dịch về công cụ tài chính, cũng như một số giao dịch đang có cơ chế xử lý khác biệt hoàn toàn so với IFRS. Ngoài ra, Bộ Tài chính đang hướng đến xây dựng thông tư hướng dẫn những nguyên tắc chung và thể thức áp dụng IFRS, thời điểm hiệu lực/hết hiệu lực của các chuẩn mực. Bên cạnh đó là bao quát các vấn đề cần chú ý khi áp dụng các quy định mới về IFRS mà trước đây VAS chưa có, ví dụ như ghi nhận theo giá trị hợp lý (IFRS 13), ghi nhận lỗ do suy giảm giá trị (IAS 36).
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Tài chính dự kiến sẽ cho phép các doanh nghiệp áp dụng IFRS được tự xây dựng hệ thống tài khoản để phản ánh đúng đặc điểm hoạt động kinh doanh, do chế độ kế toán hiện hành đang không tương thích với IFRS. Báo cáo tài chính theo IFRS sẽ phải tuân thủ theo các quy định về trình bày và thuyết minh trên các chuẩn mực riêng.
2. Một số chuẩn mực IFRS có mức độ ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp khi lần đầu áp dụng
IFRS 15: Ghi nhận doanh thu được chia thành mô hình 5 bước, bao gồm việc xác định từng nghĩa vụ thực hiện của hợp đồng. Điều này yêu cầu người làm kế toán phải hiểu về bản chất hợp đồng và các nghĩa vụ thực hiện. Điều này có thể dẫn đến kế toán gặp một số khúc mắc trong việc ghi nhận doanh thu và thời điểm phát hành hoá đơn.
IFRS 16: Đa số các hợp đồng thuê tài sản sẽ được bên đi thuê ghi nhận đồng thời quyền sử dụng và khoản nợ phải trả. Những trường hợp không áp dụng bao gồm các hợp đồng có thời hạn thuê ngắn (dưới 12 tháng) và hợp đồng có giá trị thấp. Nguyên tắc kế toán này có nhiều sự khác biệt so với VAS 06 khi bên đi thuê cần phân loại hợp đồng là thuê tài chính hay thuê hoạt động, từ đó hướng xử lý kế toán cũng khác nhau.
IFRS 9, IFRS 13 và IAS 36: Yêu cầu người làm kế toán cần có kiến thức liên quan đến các công cụ tài chính. Bên cạnh đó khi xác định giá trị hợp lý, doanh nghiệp cần xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường cũng như nội tại doanh nghiệp. Ghi nhận khoản lỗ do suy giảm giá trị sẽ cần dữ liệu đến từ các phòng ban khác nhau, do đó hệ thống thông tin và quy chế phối hợp giữa các bộ phận trong doanh nghiệp cần được tái cấu trúc.
3. Những lưu ý khi áp dụng lần đầu IFRS
Theo IFRS 1, doanh nghiệp sẽ cần công bố ngày chuyển đổi sang áp dụng IFRS, thường là trước đó một năm để thông tin kế toán mang tính chất so sánh được. Ví dụ, ngày 1/1/2025 doanh nghiệp A đang tuân thủ theo VAS công bố chuyển đổi sang áp dụng IFRS, lộ trình lập và trình bày báo cáo tài chính sẽ diễn ra như sau:
- Năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2025: Doanh nghiệp vẫn lập báo cáo tài chính pháp lý theo VAS, bên cạnh đó là chuẩn bị dữ liệu cho mục đích trình bày thông tin so sánh cho báo cáo tài chính lập lần đầu theo IFRS
- Năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2026: Doanh nghiệp lập và trình bày báo cáo tài chính lần đầu theo IFRS, bao gồm ít nhất:
- 3 báo cáo tình hình tài chính (SOFP): tại ngày chuyển đổi sang áp dụng IFRS, tại ngày đầu kỳ và tại ngày cuối kỳ của báo cáo tài chính lập lần đầu theo IFRS
- 2 báo cáo thu nhập toàn diện (gồm P/L và OCI), 2 báo cáo lưu chuyển tiền tệ (SOCF), 2 báo cáo biến động vốn chủ sở hữu (SOCE): của năm báo cáo và năm so sánh liền kề trước đó
- Và các thuyết minh liên quan, bao gồm thông tin so sánh cho tất cả báo cáo được trình bày
4. Một số câu hỏi trong buổi hội thảo
Khi áp dụng IFRS, các quy định về thuế có sự thay đổi gì không?
Trả lời: Báo cáo quyết toán thuế là một loại báo cáo riêng, không phải báo cáo tài chính. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp chỉ cần lập một bộ báo cáo tài chính pháp lý theo VAS hoặc IFRS. Báo cáo tài chính riêng sẽ là tham khảo ban đầu để điều chỉnh lợi nhuận kế toán trước thuế theo các quy định hiện hành để tính ra thu nhập chịu thuế.
IFRS yêu cầu việc chuẩn bị các dữ liệu tài chính và phi tài chính cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính. Vậy các doanh nghiệp sẽ áp dụng như thế nào?
Trả lời: Dữ liệu phi tài chính đóng vai trò gián tiếp trong việc xác định giá trị các khoản mục trên báo cáo tài chính và có thể thu thập ở nhiều nguồn. Doanh nghiệp có thể tìm kiếm thông tin trên thị trường nhưng thông tin niêm yết, sẵn có thì không nhiều. Đơn vị có thể thu thập thông tin từ nội bộ, căn cứ vào các quy định cụ thể trong chuẩn mực. Ví dụ khi sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch kinh doanh trong tương lai, ước tính thị phần, tỷ suất lợi nhuận để tính ra dòng tiền. Một ví dụ khác là số liệu thống kê tỷ lệ khách hàng sử dụng voucher hay tỷ lệ khách hàng thanh toán trước hạn hưởng chiết khấu sẽ ảnh hưởng đến việc xác định giá giao dịch và ghi nhận doanh thu.
Hệ thống hai chuẩn mực VAS và IFRS sẽ tồn tại thế nào?
Trả lời: Quyết định 345/QĐ-BTC năm 2020 có phân đoạn các nhóm doanh nghiệp bắt buộc và tự nguyện áp dụng IFRS. Vì vậy mỗi nhóm doanh nghiệp sẽ được lựa chọn những hệ thống chuẩn mực phù hợp với yêu cầu trình bày thông tin. Tuy nhiên Quyết định cũng nêu rõ phương án xây dựng, ban hành và áp dụng VFRS thay thế các chuẩn mực kế toán tương ứng trong hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện hành, thời gian thực hiện đến trước 15/11/2024.
Khi áp dụng IFRS thì có còn tồn tại chế độ kế toán như quy định hiện hành hay không?
Trả lời: IFRS là hệ thống chuẩn mực chung áp dụng cho khối tư nhân, không áp dụng cho khối công. Tất cả doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế đều áp dụng IFRS chung, không chia ra các hướng dẫn chi tiết như quy định hiện hành.