IFRS và lộ trình áp dụng tại Việt Nam

Bộ Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS – International Accounting Standards) được Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC) xây dựng và phát triển từ những năm đầu của thập kỷ 70 cho đến năm 2000. Năm 2001, Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) được thành lập dựa trên nền tảng của IASC với mục tiêu là hình thành một hệ thống chuẩn mực kế toán phục vụ cho lợi ích chung, chất lượng cao, dễ hiểu và có thể áp dụng trên toàn thế giới và yêu cầu thông tin trên báo cáo tài chính phải rõ ràng, có thể so sánh, nhằm giúp những người tham gia vào các thị trường vốn khác nhau trên thế giới cũng như các đối tượng sử dụng thông tin khác ra quyết định kinh tế.

Với mục tiêu đó, IASB đã xây dựng bộ Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS – International Financial Reporting Standards) với mục đích từng bước thay thế các IAS cho phù hợp với những thay đổi mới, theo kịp với tình hình mới khi môi trường kinh tế tài chính, cũng như hoạt động của doanh nghiệp có những biến đổi và phát sinh nhiều hoạt động mới. Cho đến hiện tại, IFRS đang ngày càng được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng hoặc cam kết áp dụng trong tương lai gần.

1. Thực trạng áp dụng IFRS tại Việt Nam

Trong bối cảnh kế toán được xem như là một ngôn ngữ kinh doanh toàn cầu, việc cho phép áp dụng IFRS ở Việt Nam là việc cần thiết và cấp bách.

Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước hiện đang lập báo cáo tài chính dựa trên hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và chế độ kế toán doanh nghiệp. Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam được ban hành trong giai đoạn 2001 đến 2005 gồm 26 chuẩn mực, dựa trên trên hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế IAS.

Kể từ lúc ban hành đến nay, mặc dù IAS liên tục được cập nhật, bổ sung hàng năm hoặc ban hành các chuẩn mực mới như IFRS, nhưng VAS vẫn chưa có sự cập nhật so với quốc tế. Điều này đã khiến cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính của Việt Nam còn nhiều hạn chế, và có thể dẫn đến nhiều tác động tiêu cực hơn đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Nhận thấy được được những mặt hạn chế và những cơ hội có thể mở ra, Việt Nam đã quyết tâm bắt đầu áp dụng IFRS bằng cách xây dựng “Chiến lược phát triển Kế toán – Kiểm toán Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030”. Đồng thời, luật Kế toán 2015 có hiệu lực từ 01/01/2017 đã bổ sung thêm “Nguyên tắc giá trị hợp lý”, thể hiện sự chủ động trong việc chuẩn bị để tiến tới việc áp dụng IFRS rộng rãi tại Việt Nam.

 

2. Lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam

Ngày 16 tháng 3 năm 2020 Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt “Đề án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam” với mục tiêu tổng quát:

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán; tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả cho công tác quản trị, điều hành tại doanh nghiệp cũng như việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng Nhà nước trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triền kinh tế, xã hội của đất nước. Góp phần nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của các thông tin tài chính, nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới.

Lộ trình dự kiến gồm 3 giai đoạn:

  1. Giai đoạn chuẩn bị: từ năm 2020 đến hết năm 2021.
  2. Giai đoạn áp dụng tự nguyện: từ năm 2022 đến hết năm 2025.
  3. Giai đoạn bắt buộc áp dụng: từ sau năm 2025.

Với lộ trình này, không chỉ các doanh nghiệp, kế toán, kiểm toán viên… mà sinh viên kinh tế đặc biệt là sinh viên kế toán – kiểm toán cần có các bước chuẩn bị kỹ càng để sẵn sàng với sự chuyển đổi này. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn có được cái nhìn khái quát về lộ trình chuyển đổi, cũng như là sự gợi ý để các bạn có thể trang bị các kiến thức cần thiết về IFRS.