INCOTERMS VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Một trong những vấn đề của kế toán xuất nhập khẩu, đó là xác định thời điểm ghi nhận tài sản (đối với bên mua) và ghi nhận doanh thu (đối với bên bán). Các nghiệp vụ xuất nhập khẩu có chịu ảnh hưởng của các điều kiện thương mại quốc tế (Incoterms), dẫn đến những sự khác nhau trong ghi nhận kế toán. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu Incoterms và cách thức áp dụng trên thực tế.

1. Khái niệm

Incoterms (viết tắt của International Commerce Terms – Các điều khoản thương mại quốc tế) là bộ quy tắc thương mại quốc tế, công bố bởi Phòng Thương mại quốc tế (International Chamber of Commerce – ICC), được công nhận và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Incoterm quy định những quy tắc và trách nhiệm của bên bán và bên mua trong các hoạt động thương mại quốc tế.

Incoterms chủ yếu mô tả:

  • Nghĩa vụ: Bên bán, bên mua phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ nào (bên nào chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa, mua bảo hiểm, bên nào sẽ làm nhiệm vụ thông quan…)
  • Rủi ro: Khi nào và tại địa điểm nào thì bên bán chuyển giao rủi ro liên quan đến hàng hóa sang bên mua
  • Chi phí: Bên nào phải trả các chi phí nào (chi phí vận tải quốc tế, chi phí đóng gói, bốc dỡ hàng hóa…)

Bản mới nhất của Incoterms là 2020, bao gồm 11 điều khoản (gồm 7 điều kiện sử dụng cho một hoặc nhiều phương thức vận tải, và 4 điều kiện áp dụng cho vận tải biển và đường thuỷ nội địa). Incoterms 2020 có một số điểm khác biệt với Incoterms 2010 như:

  • Vận đơn On-board với điều kiện FCA
  • Thay thế điều kiện DAT bằng DPU
  • Mức bảo hiểm đối với các điều kiện CIF và CIP

2. Áp dụng trong ghi nhận kế toán

Doanh nghiệp đáp ứng điều kiện ghi nhận tài sản khi nắm quyền kiểm soát tài sản đó. Mỗi điều kiện Incoterms đều quy định rõ thời điểm và địa điểm mà lợi ích, rủi ro gắn liền với hàng hoá được chuyển giao. Đây sẽ là thời điểm doanh nghiệp ghi nhận tài sản (đối với bên mua) và ghi nhận doanh thu (đối với bên bán).

Đồng thời, mỗi địa điểm chuyển giao lợi ích và rủi ro khác nhau thì chứng từ phục vụ cho việc ghi nhận kế toán cũng có sự khác biệt. Ví dụ như:

Các điều kiện CIF, FOB: mọi rủi ro liên quan đến hàng hoá đã được chuyển từ người bán sang người mua kể từ khi hàng được giao lên tàu. Chứng từ thể hiện hàng đã được giao lên tàu là vận đơn (bill of lading), kế toán bên nhập khẩu sẽ dựa vào chứng từ này để ghi nhận tài sản là hàng tồn kho, tài sản cố định hoặc hàng mua đang đi đường nếu tại thời điểm cuối năm.

Điều kiện DDP: người bán chịu mọi rủi ro liên quan để đưa hàng hoá đến nơi quy định. Trường hợp này sẽ không phát sinh hàng hoá đang đi đường, và kế toán thường sẽ dựa vào ngày trên biên bản bàn giao để ghi nhận tài sản.

3. Một số lưu ý

Các điều kiện Incoterms không phải và không có tác dụng thay thế hợp đồng thương mại.

Chỉ khi 2 bên đồng ý đưa Incoterms vào trong hợp đồng thì các điều khoản mới có giá trị pháp lý và các bên buộc phải tuân thủ.

Các điều kiện Incoterms không điều chỉnh tới các vấn đề như: đặc điểm hàng hoá, phương thức thanh toán, vi phạm điều khoản giao hàng…