Kiểm toán: Dễ có người yêu, thức đêm và Work-life Balance

Kỳ vọng của các bạn khi vào Big 4 là gì? Một bước đệm hoàn hảo cho sự nghiệp sau này? Xây dựng cho mình một nền tảng vững chắc? Mình tin rằng để sau 4-5 năm làm kiểm toán có thể tạo ra một phiên bản “trên thông thông tư, dưới tường sổ sách” thì áp lực, thử thách trong công việc sẽ cần được rèn luyện hằng ngày. Cũng vì vậy mà các bạn vẫn còn đắn đo rằng mình có thể theo nghề kiểm toán không. Dưới đây sẽ là một số câu hỏi thường gặp và mình sẽ cùng nhau giải quyết từng vấn đề nhé.

1. Kiểm toán có work-life balance không?

Câu trả lời là có, nhưng không hẳn là cân bằng theo ngày mà sẽ theo thời kỳ trong năm. Mùa bận của kiểm toán thường bắt đầu vào đầu tháng 1 và kết thúc vào cuối tháng 3, nhưng mỗi cấp bậc sẽ có giai đoạn cao điểm ở nửa trước hoặc nửa sau của mùa, ngoại trừ cấp Senior thì có thể bận suốt 3 tháng 😀

Hầu hết khách hàng kiểm toán đều có năm tài chính kết thúc vào 31/12 nên sau khi kết thúc mùa bận, khối lượng công việc sẽ nhẹ nhàng hơn. Thực tế vẫn có một số khách hàng có năm tài chính kết thúc vào cuối quý 1 và quý 2, phần lớn là công ty con của các tập đoàn nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Khi đó các bạn có thể được giao đi các job này hoặc đi job kiểm toán các dự án.

Chính vì tính chất công việc nhẹ nhàng hơn sau mùa bận nên đây là thời điểm vàng để nhân sự nghề kiểm toán cân bằng lại cuộc sống. Có nhiều team sau khi kết thúc “giao thừa” đã xin nghỉ phép dài ngày và đi chơi, đi du lịch cùng nhau, vừa để xả stress sau mùa bận, vừa giúp gắn kết tình đồng nghiệp.

 

2. Có lúc các anh chị phải thức đêm, đôi khi ngủ tại văn phòng, điều này có thật không?

Điều này là có thật vào mùa bận, do khối lượng công việc nhiều nên việc phải làm thêm giờ, thức khuya dậy sớm để hoàn thành công việc là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên câu hỏi cần đặt ra là có giải pháp nào để khắc phục không?

Đối với các bạn trợ lý kiểm toán, hãy chuẩn bị cho mình hành trang phù hợp trước khi bắt đầu đi làm, bao gồm kỹ năng cứng trong công việc và kỹ năng mềm khi xử lý tình huống với khách hàng. Ngoài ra khi đã có kinh nghiệm ở một số job, hãy tự rút kinh nghiệm và tự lập kế hoạch cho các job sắp tới. Điều này sẽ giúp các bạn không bị quên các đầu công việc, cũng như quản lý được thời gian và năng suất làm việc của mình.

 

3. Vào làm kiểm toán thì dễ có người yêu không?

Mình nghĩ rằng vấn đề này phụ thuộc vào sự chủ động của mỗi người. Đối với những bạn đã có người thương, có lẽ điều quan trọng là phải cho đối tác hiểu về tính chất công việc. Tuy nhiên mình vẫn có thể tranh thủ video call cuối tuần, bày tỏ sự quan tâm mỗi khi có thể. Sau khi kết thúc mùa bận thì khối lượng công việc không còn nhiều nên có thể dành thời gian cho nhau.

Trong môi trường kiểm toán, các bạn sẽ được tiếp xúc với rất nhiều người, từ đồng nghiệp cho đến khách hàng nên cơ hội tiếp cận khá rộng mở. Thực tế có rất nhiều đôi trong công ty kiểm toán đã nên duyên vợ chồng, một phần vì hiểu được tính chất công việc của nhau và được gặp gỡ thường xuyên.

 

4. Các anh chị làm thế nào để vừa đi làm, vừa học chứng chỉ?

Để lên được vị trí Manager sau 5-6 năm, hầu hết các công ty sẽ yêu cầu phải có chứng chỉ Kiểm toán viên được cấp bởi Bộ Tài chính. Hầu hết các công ty đều có chính sách hỗ trợ nhân sự đi học và thi chứng chỉ để đáp ứng nhu cầu công việc, đổi lại nhân viên sẽ cần cam kết tiếp tục làm việc cho công ty trong ít nhất 2-3 năm… và hầu hết sẽ đi học sau khi kết thúc mùa bận.

Do đã quen với áp lực công việc lớn, có những trải nghiệm thực tế, phải tự nghiên cứu các vấn đề mới trong thời gian ngắn để phục vụ cho công việc nên thời gian học của các anh chị tuy có ít hơn nhưng chất lượng và kết quả vẫn luôn ở mức tốt. Một khi đã xác định theo đuổi thì hầu hết anh chị đều có chứng chỉ trước khi chính thức lên cấp bậc Manager.