Kinh nghiệm học phát âm và từ vựng cho người mới bắt đầu

Speaking English

Để chuẩn bị hành trang sẵn sàng bước vào thị trường lao động, ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp thì kiến thức công cụ cũng đóng vai trò quan trọng không kém, bao gồm tin học và ngoại ngữ. Bạn hoàn toàn có thể mở rộng cơ hội nghề nghiệp của mình nếu có thể sử dụng thành thạo nhiều thứ tiếng, cũng như tiếp cận những bài báo, nguồn tài liệu nghiên cứu chuyên sâu phục vụ rất tốt trong quá trình làm việc.

Trong bài viết hôm nay, bạn đọc sẽ được gợi ý về lộ trình học tiếng Anh từ căn bản, mà theo quan điểm và những gì quan sát được từ người viết là tương đối hiệu quả. Hãy xác định rằng việc học tiếng Anh ở đây là hướng đến khả năng sử dụng thực sự trong công việc và đời sống.

English Speaking

 

1. Phát âm

Các bạn thử nhớ lại xem mình đã học tiếng Việt như thế nào, từ thuở lọt lòng cho đến khi vào lớp 1? Nếu không nhớ thì hãy hỏi bố mẹ hoặc chịu khó quan sát đứa em, đứa cháu của mình xem sao. Hầu hết quá trình học sẽ trải qua một số giai đoạn giống nhau: lắng nghe từ bố mẹ rồi bắt chước lại từng âm tiết đơn giản. Dần dần đứa trẻ sẽ học phát âm các từ, cụm từ và câu đơn giản.

Quá trình học tiếng Anh cũng có thể tiếp cận theo hướng tương tự. Bắt đầu bằng hệ thống 44 phiên âm trong tiếng Anh (IPA), hãy biết cách đặt môi lưỡi, biết âm được cấu tạo ra sao và tập phát âm chúng. Trên mạng có khá nhiều video hướng dẫn từ người bản xứ (BBC Learning English là nguồn mình hay dùng), các bạn hoàn toàn có thể tham khảo và bắt chước theo.

Có nhiều bạn sẽ bỏ qua bước này mà đi thẳng vào việc bắt chước lại cách phát âm của các từ đơn hoặc câu hoàn chỉnh. Đây cũng là cách tiếp cận phổ biến với những người không có nhiều thời gian học, thường được gọi là “tiếng Anh bồi”, nhưng lại có nhược điểm là mất nhiều thời gian để sửa nếu không may học từ nguồn phát âm sai. Vì vậy nếu có thời gian đầu tư cho học tiếng Anh thì mình khuyến khích các bạn tiếp cận theo hướng nền tảng nhất, căn bản nhất là học phiên âm. Chuyện bạn phát âm đúng, tròn vành rõ tiếng, người nghe hiểu được mình nói gì cũng khiến cbúng ta tự tin hơn rất nhiều.

 

2. Học từ vựng

Để có thể sử dụng tiếng Anh linh hoạt trong nhiều tình huống thì vốn từ vựng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong một số trường hợp, có thể bạn không hiểu được toàn bộ nội dung câu vì nghe không kịp, nhưng nắm được những từ khoá chính trong câu cũng có thể giúp bạn bắt kịp 7-8/10 nội dung. Tuy nhiên từ vựng tiếng Anh thì tương đối rộng ở nhiều chủ đề, vậy nên bắt đầu từ đâu?

Hãy bắt đầu với những từ vựng thông dụng, hay sử dụng trong đời sống hàng ngày. Bắt đầu với đại từ nhân xưng (tôi, bạn, anh ấy, cô ấy, họ…) và danh từ chung (chủ đề gia đình, đời sống, trường học…) trước khi chuyển sang các tính từ (chỉ màu sắc, tính chất) và động từ thông dụng (đi, làm, đề nghị, giúp đỡ…)

Một lời khuyên cho những bạn mới bắt đầu là đừng quá áp lực trong việc nhồi nhét nhiều từ mới vào đầu hằng ngày. Hãy bắt đầu với mức độ nhẹ nhàng khoảng 3-5 từ một ngày, duy trì khoảng một tuần rồi mới tăng số lượng và độ khó của từ lên. Đừng quên tự kiểm tra lại các từ mới đã học trong tuần bằng cách học qua flashcard, mindmap theo chủ đề. Một cách khác vô cùng hiệu quả là hãy đặt câu với mỗi từ vựng đã học được. Mỗi lần đặt câu, bạn sẽ phải động não khi chọn từ, dùng thì và dạng của từ cho đúng, rồi ghép chúng thành câu hoàn chỉnh để phát ra thành lời. Điều này sẽ giúp các bạn rèn được tính phản xạ khi muốn trao đổi với người đối diện. Cũng bởi tính áp dụng trong đời sống hàng ngày nên sẽ dễ nhớ từ hơn vì tần suất sử dụng nhiều.

 

Còn tiếp…