Lộ trình thi tuyển dụng cho sinh viên năm nhất

Lộ trình thi tuyển dụng

Hiện nay, các bạn sinh viên có rất nhiều cơ hội tham gia buổi toạ đàm, được lắng nghe những người đi trước chia sẻ về thông tin nghề nghiệp (các Mentor). Từ đó, nhiều bạn đã nắm bắt và từng bước xây dựng lộ trình thi tuyển dụng ngay từ sớm. Vậy đối với một bạn sinh viên năm nhất thì một lộ trình phù hợp sẽ như thế nào? Hãy cùng tham khảo trong bài viết này nhé.

(Lưu ý: dù bạn có xuất phát là một sinh viên năm 2 hay muộn hơn đi chăng nữa thì lộ trình này vẫn có thể áp dụng, có điều là thời gian chuẩn bị cho mỗi yếu tố sẽ rút ngắn hơn, hoặc sẽ phải thực hiện đồng thời với các mục tiêu khác. Chưa bao giờ là muộn để bắt đầu, nhưng cũng đừng chủ quan khi nghĩ rằng mình có nhiều thời gian, hoặc đợi đến khi có một kế hoạch hoàn hảo vì đó là nguồn cơn dẫn đến sự trì hoãn của nhiều bạn.)

Lộ trình thăng tiến

 

1. Năm nhất: Tập trung học Tiếng Anh

Cùng với Tin học, Tiếng Anh là kiến thức công cụ vô cùng quan trọng, và là yêu cầu bắt buộc với một số ngành nghề. Có Tiếng Anh (hay ngoại ngữ nói chung) tốt ở cả 4 kỹ năng không chỉ giúp bạn có thêm nhiều cơ hội làm việc, bên cạnh đó còn là cơ hội tiếp cận với nguồn tài liệu vô cùng chất lượng. Hầu hết những tài liệu nghiên cứu chuyên sâu đến từ các tổ chức, công ty đều viết bằng tiếng Anh và được công khai trên Internet. Do đó ngoại ngữ nên được học và sử dụng thành thạo càng sớm càng tốt.

Hầu hết nền tảng tiếng Anh của các bạn sẽ vững về kỹ năng đọc, nghe vì được sử dụng phổ biến khi học và làm bài kiểm tra ở bậc học phổ thông. Tuy nhiên để thể hiện tốt trong các vòng thi tuyển dụng, đặc biệt là các vòng phỏng vấn cũng như khi đi làm, để giao tiếp với khách hàng, thì kỹ năng nói lại vô cùng quan trọng.

Đối với kỹ năng nói, có 2 điều quan trọng cần lưu ý. Thứ nhất là đầu vào (nguồn nghe) phải đến từ những người phát âm chuẩn, nếu có thể thì nên sử dụng nguồn của người bản xứ. Lý do là bởi chúng ta sẽ luyện nói, bắt chước việc phát âm hay nói câu hoàn chỉnh dựa trên những gì được nghe. Điều thứ hai là cần có môi trường để bạn rèn luyện khả năng nói thường xuyên. Khi được luyện nói thường xuyên, chúng ta sẽ làm quen với việc tư duy bằng Tiếng Anh và rèn luyện phản xạ, để quá trình giao tiếp bằng Tiếng Anh trở nên mượt mà, tự nhiên giống như giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ thông thường.

 

Nếu chưa có nền tảng, hãy bắt đầu bằng những thứ căn bản nhất là hệ thống 44 phiên âm tiếng Anh IPA, sau đó là đến các từ, cụm từ và câu hoàn chỉnh. Hãy tập nói đúng trước khi có thể nói nhanh, trôi chảy và có ngữ điệu. Bên cạnh đó hãy đa dạng hoá những nguồn học tiếng Anh để chúng không còn bị ép buộc như xem phim ảnh, video và bắt chước lại, hoặc luyện nói một mình trước gương để chỉnh sửa biểu cảm khuôn mặt nếu cần thiết.

2. Tập trung học kiến thức chuyên ngành từ năm thứ hai

Ở giai đoạn này, các bạn đã tiếp cận với các môn cơ sở ngành như nguyên lý kế toán, kế toán tài chính và kiểm toán căn bản. Nội dung các môn học chuyên ngành được xây dựng trên cơ sở các văn bản pháp luật hiện hành, các thông tư, chuẩn mực. Do đó hãy học chắc những môn nền tảng vì chúng sẽ giúp bạn tiếp cận các môn học sau một cách có hệ thống và dễ dàng hơn, và đây cũng là kiến thức được sử dụng trong công việc.

Bên cạnh đó, hãy tiếp cận dần với kiến thức chuyên ngành bằng tiếng Anh. Việc này sẽ giúp các bạn làm quen với các dạng câu hỏi có thể xuất hiện trong đề thi tuyển dụng. Tuy nhiên có được kiến thức chuyên môn chỉ giúp bạn qua được vòng đánh giá năng lực mà thôi.

3. Rèn luyện kỹ năng trong và ngoài trường

Kỹ năng được chia thành 2 nhóm nhỏ. Thứ nhất là kỹ năng cứng áp dụng trong công việc, có thể rèn luyện khi đi làm thực tế, tham gia khoá học chuyên sâu kết hợp thực hành, hoặc làm thêm ở những công ty có nghiệp vụ liên quan đến nghề. Thứ hai là kỹ năng mềm áp dụng trong mọi khía cạnh của cuộc sống, từ học tập đến làm việc.

Mỗi ngành nghề sẽ yêu cầu tổ hợp các kỹ năng cần thiết, và đây là điều các bạn sinh viên cần tìm hiểu kỹ trước khi có ý định tham gia hoạt động gì ở trường lớp hay đi làm thêm ở đâu. Kiểm toán độc lập là một ngành nghề dịch vụ, do đó có thể kể ra một số kỹ năng cần thiết như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý thời gian…

Sau khi xác định được kỹ năng cần trang bị và đã chọn được môi trường rèn luyện, hãy tập trung cải thiện chúng trong dài hạn, bởi kỹ năng không đến từ việc đọc sách vở là có thể thành thạo. Kỹ năng cần có trải nghiệm thực tế để có thể bắt chước, tự làm, sửa chữa cho đến mức độ thành thạo. Những bài học hoặc thành tựu bạn có được sẽ là minh chứng cho mức độ tích luỹ và khả năng áp dụng kỹ năng của bạn tốt đến đâu.

4. Chuẩn bị cho thi tuyển dụng

Sau khi đã chuẩn bị về tiếng Anh, kiến thức chuyên ngành và kỹ năng, các bạn sẽ cần đáp ứng yêu cầu của các vòng thi tuyển dụng, trong đó bao gồm CV và kỹ năng phỏng vấn. Khi viết CV, đó là lúc các bạn hồi tưởng lại những hoạt động đã tham gia, kết quả và thành tựu đạt được, từ đó đưa những thông tin phù hợp với vị trí ứng tuyển.

Đối với phỏng vấn, hãy tham khảo thông tin từ những anh chị đã và đang làm trong nghề, tham gia những buổi workshop liên quan để có thông tin cập nhật nhất, từ đó có sự chuẩn bị phù hợp nhất cho vòng thi. Nếu ba vòng thi đầu là kiểm tra đầu vào về kiến thức, kỹ năng liên quan đến công việc thì vòng phỏng vấn cá nhân sẽ là lúc nhà tuyển dụng đo lường tính phù hợp của từng cá nhân với văn hoá công ty, vị trí công việc cũng như định hướng phát triển sự nghiệp.