Ngành Thiết kế sáng tạo – Người nghệ sĩ cần những yếu tố gì?

Thiết kế – ngành học đòi hỏi sự sáng tạo

Thiết kế là một nghệ thuật. Nghệ thuật ấy không chỉ đơn giản là nghệ thuật thuần túy, mà ở đó những đứa con tinh thần được ra đời và phát triển dựa trên cơ sở gắn liền với đời sống xã hội, phục vụ nhu cầu của thực tiễn, vì vậy nó dần trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống con người. Đáp ứng nhu cầu đó, ngành thiết kế được chia đa dạng trong nhiều lĩnh vực bao gồm thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, thiết kế game, …

Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển tốt được ở trong ngành thiết kế, trở thành nhân lực nòng cốt thì thứ bạn cần phải có và duy trì được nó là tư duy sáng tạo. Tư duy sáng tạo sẽ giúp mỗi cá nhân đưa ra được giải pháp sáng tạo và giải quyết những công việc, vấn đề khó khăn một cách nhẹ nhàng, đơn giản và hiệu quả. Đặc biệt, trong ngành thiết kế, thị hiếu người tiêu dùng và thị trường thay đổi không ngừng, đòi hỏi sản phẩm, dịch vụ phải được cải tiến liên tục, đổi mới và không đi theo lối mòn. Khả năng tư duy sáng tạo càng cao, hiệu quả công việc sẽ càng tốt, tạo ưu thế cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp, do đó, nhu cầu tìm kiếm những nhân viên thiết kế có tư duy sáng tạo của các doanh nghiệp ngày càng gia tăng.

Sở hữu khả năng tư duy sáng tạo là điều kiện cần và duy trì khả năng đó lâu dài là điều kiện đủ khi bạn gia nhập vào ngành thiết kế. Sáng tạo là một kĩ năng, và một kĩ năng không phải là cái tự sẵn có. Nó là kết quả của một quá trình học hỏi lâu dài, rèn luyện tư duy và luyện tập. Vì vậy, nó lí giải hợp lí cho tình trạng bị thiếu và bí ý tưởng của những tay mơ rẽ ngang sang ngành thiết kế. Để tìm lời giải cho bài toán hóc búa này, bạn cần có một nền tảng kiến thức vững chắc, học tập và rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp, rèn luyện tư duy thiết kế cho riêng mình, mang màu sắc và dấu ấn trong mỗi sản phẩm bạn làm ra. Bên cạnh đó, hãy luôn chủ động học hỏi, cập nhật những xu hướng mới và biết sử dụng những công cụ hiện đại.

Nhân lực ngành thiết kế: đắt giá và khan hiếm

Theo ông Nguyễn Việt Dũng – GĐ CTCP kiến trúc Không gian Mở, công việc thiết kế đòi hỏi nhiều yếu tố, cụ thể là: “Phải nắm được kiến thức về marketing, khả năng tổ chức, nắm bắt sự kiện, bởi có như thế mình mới truyền tải được ý tưởng của khách hàng vào trong mỗi sản phẩm. Tiếc là hiện nay những người hội đủ được các yếu tố này không nhiều”.

 

Từ ý tưởng nghệ thuật đến việc hiện thực hóa ý tưởng ấy, luôn đòi hỏi người nghệ sĩ phải sáng tạo, tìm tòi, có cái nhìn đa chiều ở các lĩnh vực khác nhau, kiên trì và nhẫn nại để chọn ra sản phẩm phù hợp nhất. Khiếu thẩm mỹ thôi là chưa đủ, người nghệ sĩ ấy cần phải thành thạo các phần mềm đồ họa để khắc họa được một cách chân thực và rõ nét những ý tưởng. Chính những điều này làm người học ngành thiết kế trở nên “đắt giá” hơn bao giờ hết, khi liên tục phải bổ sung và trau dồi rất nhiều kiến thức và kĩ năng. Điều đáng buồn là, nhân lực của ngành lại đang trở thành “hàng hiếm” do nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng nhưng lại thiếu nguồn cung đáp ứng được các tiêu chí và điều kiện do nhà tuyển dụng đặt ra.

Cơ hội việc làm của sinh viên ngành Thiết kế khi ra trường

Thiết kế len lỏi trong từng khía cạnh của cuộc sống, nên sinh viên ngành thiết kế có một ưu thế lớn với cơ hội việc làm đa dạng như:

  • Thiết kế thương hiệu: Bộ nhận diện được coi là bộ mặt của doanh nghiệp, là hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt khách hàng. Hình ảnh ấy có đẹp hay không, có ấn tượng hay không, phụ thuộc vào các sản phẩm của người thiết kế như logo, brochure, danh thiếp, văn phòng phẩm, …. hoặc bất cứ thứ gì giúp quảng bá thương hiệu, giúp thương hiệu được lan tỏa và chạm đến nhiều người hơn trên thị trường.
  • Thiết kế quảng cáo – Advertising: Song hành cùng độ “hot” của marketing và truyền thông, thiết kế quảng cáo trở thành một yếu tố then chốt trong mỗi chiến dịch của doanh nghiệp. Từ lâu thiết kế quảng cáo đã là một phương tiện để doanh nghiệp thúc đẩy doanh số bán hàng, chạm được đến tệp khách hàng tiềm năng và tác động đến quyết định mua hàng của khách hàng mục tiêu. Vì vậy, tác phẩm của lĩnh vực này là các hình ảnh với nội dung hấp dẫn, ấn tượng và thân thiện, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp một cách hiệu quả.
  • Thiết kế giao diện người dùng: Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, thiết kế giao dịch được đánh giá là ngành thời thượng bậc nhất khi nó giúp tạo ra giao diện cho một phần mềm, website hoặc ứng dụng sao cho thân thiện và hấp dẫn đối với người dùng, một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định và sự gắn bó của khách hàng.
  • Thiết kế nội thất: Nhu cầu đời sống của con người ngày càng nâng cao, nhà không còn chỉ để phục vụ nhu cầu thiết yếu là ở mà nó còn phải là một không gian sống tiện nghi, chức năng và thẩm mỹ. Để được như vậy, thì nội thất trong ngôi nhà cần được thiết kế theo phong cách phù hợp với ngôi nhà, có thể là phong cách cổ điển hay hiện đại, tạo ra một không gian độc đáo và mang đậm dấu ấn của người chủ nhà.
  • Thiết kế thời trang: Thời trang không chỉ dừng lại ở áo và quần mà còn có trang sức, giày dép, phụ kiện, đồ hóa trang cho phim ảnh. Thêm vào đó, ai cũng cần thời trang dù là người có lối sống đơn giản nhất, do đó, nhu cầu của ngành này rất dồi dào và bạn có thể lựa chọn một trong những ngách của thị trường để theo đuổi với tiềm năng phát triển lớn.
  • Thiết kế game: Thiết kế game là việc thiết kế tất cả những yếu tố tạo nên một trò chơi như bối cảnh, nhân vật, cách chơi, thử thách, level, … Nhà thiết kế game có nhiệm vụ tạo ra bản mô tả trò chơi một cách dễ hiểu nhất ở cả góc độ nghệ thuật và kỹ thuật. Bản mô tả này được xem là “kim chỉ nam” cho toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và hoàn thiện một trò chơi điện tử. Vì vậy, vị trí thiết kế game rất quan trọng và đòi hỏi chuyên môn cao.
  • Giảng dạy tại các trường Đại học: Để đào tạo ra những nhân tài trong ngành thì điều cần có đầu tiên là những thầy cô giảng viên, chuyên gia trong ngành thiết kế. Họ sẽ là những người lái đò để đưa đò cập bến thành công, là người dẫn đường chỉ lối để các bạn không lạc đường trên con đường nghệ thuật thơ mộng nhưng cũng đầy gian truân này.

Thu nhập đáng mơ ước

Nhu cầu của ngành lớn trong khi cung vẫn chưa đáp ứng đủ, nên mức lương của ngành thiết kế dành cho sinh viên mới ra trường khá hấp dẫn và cạnh tranh. Đối với sinh viên mới ra trường, mức lương có thể dao động từ 9 đến 12 triệu đồng, và con số này sẽ gấp lên nhiều lần nếu bạn có từ 3-4 năm kinh nghiệm. Ngoài ra, công việc này cũng giúp bạn có thể làm thêm các dự án freelance ở bên ngoài để kiếm thêm thu nhập.

Kết luận

Nhàm chán không bao giờ xuất hiện trong từ điển của những người nghệ sĩ ngành thiết kế bởi tính chất công việc luôn sáng tạo không ngừng và tạo ra những điều mới mẻ. Bạn sẽ luôn phải làm quen với những dự án, những ý tưởng khác nhau cũng những thử thách, kiến thức mới. Hi vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thêm kiến thức về ngành Thiết kế, cũng như tiếp thêm cho bạn động lực và niềm đam mê theo đuổi ngành nghề thú vị này.