NHỮNG LƯU Ý QUAN TRỌNG TRONG CHUẨN BỊ CV

Bạn thường mất bao lâu để chuẩn bị CV? Bạn chuẩn bị CV vào thời điểm nào? Bạn chọn đưa những thông tin gì vào trong CV? Bài viết này sẽ đưa ra một số lời khuyên giúp bạn chuẩn bị CV cho riêng mình nhưng vẫn đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiệu quả về thời gian. Đôi khi làm tốt một việc không phải là đi tìm giải pháp tối ưu nhất, mà chỉ cần tránh những sai lầm mà người đi trước từng mắc phải mà thôi.

1. Về hình thức trình bày

Đối với một số ngành nghề đặc thù, việc tự thiết kế một số mẫu CV có thể chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy được kỹ năng liên quan trực tiếp. Nếu bạn không ứng tuyển vào các vị trí đó thì thời gian đầu tư cho hình thức CV thực sự không cần nhiều. Có bạn dành cả ngày trời để tìm kiếm mẫu CV độc, lạ, với một lý do là hình thức CV của mình sẽ trùng lặp với các thí sinh khác nên lo sợ không thể qua vòng đơn.

Có 2 điều cần làm rõ ở đây. Thứ nhất là mỗi kỳ tuyển dụng, các công ty nhận về hàng ngàn đơn ứng tuyển, vậy những CV có template trùng nhau có thể vượt qua vòng đơn không? Và số lượng CV có thể vượt qua là bao nhiêu trước vòng test? Quan tâm đến hình thức là tốt, nhưng bộ phận lọc hồ sơ không chỉ nhìn hình thức mà còn dựa trên tiêu chí riêng để xét duyệt CV.

Thứ hai, nếu phải chú ý đến hình thức, hãy quan tâm đến định dạng, bố cục và nội dung trong CV được trình bày ra sao. Nhà tuyển dụng sẽ không dành nhiều thời gian để đọc từng cái CV vì số lượng quá nhiều, do đó hãy tạo ấn tượng ban đầu cũng như thể hiện sự chuyên nghiệp của mình thông qua việc trình bày nhất quán, gọn gàng và dễ nhìn. Vậy nếu phải tìm template, đâu là các nguồn có thể tham khảo? Có rất nhiều, ở đây mình đề xuất một số nguồn như các mẫu có sẵn của Word, PowerPoint hay trên TopCV.

2. Về nội dung trình bày

Thông thường khi nhìn vào CV, nhà tuyển dụng sẽ để ý tới kinh nghiệm làm việc đầu tiên. Tuy nhiên ở độ tuổi sinh viên thì không mấy ai có kinh nghiệm cả, do đó hãy làm nổi bật những kỹ năng bạn có được thông qua các hoạt động khác như đi làm thêm, tham gia các tổ chức, hội nhóm… Và tốt hơn cả, đó nên là những kỹ năng liên quan đến nghề nghiệp sau này. Muốn biết những kỹ năng cần thiết cho từng nghề cụ thể là gì, hãy dành một chút thời gian tìm kiếm thông tin trên mạng, tham gia các buổi toạ đàm để lắng nghe những chia sẻ từ các anh chị đã và đang làm việc trong nghề. Đó cũng là cách tiếp cận phù hợp để bạn xác định sẽ rèn luyện kỹ năng chính gì khi tham gia các hoạt động.

Đối với đi làm thêm, nếu có thể ứng tuyển vào những vị trí liên quan trực tiếp đến công việc sau này, đây sẽ là cơ hội tốt vì các bạn sẽ được đào tạo, rèn luyện nghiệp vụ, kỹ năng cứng trong nghề từ sớm. Tuy nhiên một thành tố quan trọng hơn mà mọi ngành nghề đều cần là kỹ năng mềm. Bạn có thể rèn luyện các kỹ năng này mọi lúc, mọi nơi, thậm chí môi trường giảng đường đại học cũng cho bạn rất nhiều cơ hội trải nghiệm, chứ không bắt buộc phải tham gia câu lạc bộ hay đi làm mới có. Một số kỹ năng mềm quan trọng mà sinh viên cần chú trọng rèn luyện có thể kể đến như: quản lý thời gian, giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, sử dụng công nghệ thông tin (bao gồm các phần mềm văn phòng và phần mềm đặc thù).

Đối với mỗi hoạt động bạn tham gia, hãy sử dụng thông điệp lượng hoá để thể hiện các thành tựu đạt được, nếu có thể. Biểu diễn qua các con số sẽ cụ thể hơn, rõ ràng hơn là trình bày kết quả đạt được một cách chung chung, cũng như nhà tuyển dụng có thể hình dung, đánh giá được mức độ đóng góp của bạn trong tổ chức. Đối với những người đã có nhiều năm đi làm, thông điệp lượng hoá có thể biểu hiện dưới dạng số dự án tham gia, số khách hàng tiếp cận, quy mô doanh số… để thể hiện mức độ phức tạp, chiều sâu trong công việc mà họ đã trải qua.

Bạn có biết về Transferable skills – Những kỹ năng có thể chuyển đổi để áp dụng trong công việc kiểm toán sau này? Hãy tham khảo thêm bài viết này nhé:

3. Một số lưu ý

Độ dài CV sẽ phụ thuộc vào những trải nghiệm, thành tựu bạn có được trong suốt quá trình học đại học. Tuy nhiên thời gian 3-4 năm đó là khá ngắn và thông tin đưa vào CV cần có sự chọn lọc, do đó CV không nên kéo dài sang trang thứ ba. Nhớ rằng CV là một bản tóm tắt quá trình học tập và làm việc và thể hiện tính chuyên nghiệp khi ứng tuyển. Ngoài ra, hãy sắp xếp các thông tin theo trình tự nhất định, trong đó những điểm nhấn trong CV nên được đưa lên trước và chính giữa bố cục trang. Điều này cũng sẽ giúp nhà tuyển dụng tìm kiếm những thông tin cần thiết dễ dàng hơn.

Về nội dung, hãy sử dụng những câu văn không quá dài, có thể mở đầu bằng các động từ để trình bày các đầu việc chính một cách chi tiết nhất có thể. Các bạn có thể cân nhắc sử dụng bullet point để dễ nhìn các ý nhỏ, hơn là dùng gạch đầu dòng. Không cần trình bày quá nhiều chữ vào CV vì nếu nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu thêm, bạn sẽ có cơ hội để trình bày chúng một cách chi tiết hơn qua lời nói, qua những câu chuyện thực tế.

Ngoài ra hãy nhờ bạn bè, anh chị hoặc những người đã có kinh nghiệm trong nghề để review CV của bạn nhé, vì thông thường tự làm, tự kiểm tra sẽ khó phát hiện lỗi hơn. Nhưng trước đó mình có thể tự kiểm tra được lỗi chính tả, ngữ pháp tiếng Anh thông qua các phần mềm hỗ trợ, ví dụ như extension Grammarly, chúng hỗ trợ rất tốt trong việc kiểm tra lỗi chính tả và dùng từ.

Viết CV là một quá trình bạn hồi tưởng về quá khứ và lựa chọn những thông tin phù hợp nên không phải chuyện một sớm một chiều. Vì vậy, du bạn bắt đầu viết CV ở thời điểm nào, hãy nâng cao giá trị bản thân thông qua những trải nghiệm: trải qua – rút kinh nghiệm. Có những điều trên, CV của bạn sẽ thực sự có những thông tin giá trị, phản ánh đúng con người bạn mà không phải trải qua quá trình “phù phép” hay “làm đẹp” gì cả.