Quy trình Kiểm toán trên thực tế (Phần 5)

audit

Trong phần tiếp theo của series bài viết “Quy trình kiểm toán trên thực tế”, chúng ta sẽ tìm hiểu những công việc cần làm khi kết thúc cuộc kiểm toán. Và liệu răng nghề kiểm toán có thực sự khổ như các bạn thường nghĩ hay không, hãy tìm câu trả lời ở phần thứ hai của bài viết nhé.

 

audit

 

7. Kết thúc cuộc kiểm toán

Đây là giai đoạn mà kiểm toán viên đã thu thập đầy đủ bằng chứng phù hợp, giấy tờ làm việc của các phần hành đã được hoàn thiện, cũng như các bút toán điều chỉnh (nếu có) đã được chuẩn bị. Kiểm toán viên sẽ tiến hành họp với khách hàng để trao đổi các bút toán điều chỉnh, cũng như đưa ra bản báo cáo tài chính dự thảo (draft). Vì trách nhiệm lập báo cáo thuộc về phía khách hàng nên báo cáo dự thảo đó cần được trao đổi giữa hai bên. Sau khi hai bên đã chốt các vấn đề thuyết minh cũng như các bút toán điều chỉnh, kiểm toán viên sẽ đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính đó.

Trước khi bản báo cáo dự thảo được hình thành, một công đoạn chuẩn bị không kém phần quan trọng là casting báo cáo. Công đoạn này sẽ kiểm tra lỗi tính toán, lỗi chính tả, định dạng báo cáo, cách đánh số và trình bày thuyết minh đã phù hợp hay chưa… để đảm bảo báo cáo sẽ không còn lỗi nhỏ gì trước khi đến tay khách hàng. Công đoạn này có thể được thực hiện trên file excel hoặc word, và có sự hỗ trợ của các bạn thực tập sinh.

Đầu việc của Intern được coi là nhẹ nhất trong các team kiểm toán. Do đó ngoài việc hoàn thành working paper và hoàn thiện các comment của cấp trên, các bạn sẽ được giao một số đầu việc admin trong và sau cuộc kiểm toán như theo dõi thư xác nhận, thu thập hồ sơ tài liệu để bổ sung vào hồ sơ kiểm toán các năm, ở giai đoạn kết thúc sẽ là in và giao báo cáo cho khách hàng,

(nguồn ảnh: Tạp chí tài chính)

 

8. Vai trò của các thành viên cấp trên

Trưởng nhóm kiểm toán (Senior): thường sẽ là người chịu trách nhiệm chính về khách hàng kiểm toán trong vấn đề trao đổi các vấn đề phát sinh, lên các báo cáo draft, soát xét working paper của các bạn trợ lý kiểm toán. Ngoài ra trưởng nhóm kiểm toán sẽ là người thực hiện những phần hành khó, có mức độ rủi ro cao như phần hành doanh thu, thuế và làm các working về đánh giá rủi ro, làm thủ tục phân tích sơ bộ và khi kết thúc cuộc kiểm toán. Đây sẽ là vị trí có áp lực công việc lớn nhất vì vừa phải theo dõi tiến độ công việc và hướng dẫn các bạn cấp dưới, vừa phải đảm bảo deadline nộp working cả nhóm cho Manager review, vừa thu xếp trao đổi các vấn đề với khách hàng.

Nếu vượt qua vị trí Senior trong 2-3 năm thì xin chúc mừng, các bạn đã trải qua giai đoạn nặng nhọc của nghề kiểm toán và chính thức chuyển sang cấp bậc Manager. Công việc chính của trưởng/phó phòng lúc này sẽ là soát xét working paper của nhiều team kiểm toán cùng lúc, tham gia buổi họp gặp mặt khách hàng và buổi họp closing. Ngoài ra với những khách hàng lớn, có nhiều vấn đề phức tạp, yêu cầu nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan thì Manager sẽ đóng vai trò là trưởng nhóm kiểm toán. Dù không phải đi thực địa, làm các phần hành như cấp Senior trở xuống nhưng Manager sẽ khá nhiều việc vào nửa sau mùa bận.

Rõ ràng là kiểm toán không phải là một nghề áp lực suốt đời, sau 4-5 năm là có thể lên cấp độ quản lý rồi. Mỗi thành viên trong nhóm kiểm toán đều có vai trò quan trọng tại mỗi thời điểm nhất định, nên deadline có thể dí liên tục nhưng không hẳn là suốt cả mùa bận. Tuy nhiên cũng phải nhìn lại quá trình 4-5 năm thực sự không đơn giản, có những lúc vui sướng vì kết thúc mùa bận nhưng không thiếu những lúc việc chồng việc vô cùng áp lực.

 

Vậy còn các bạn thì sao? Các bạn có sẵn sàng đánh đổi 4-5 năm thanh xuân của mình để nhận lại hình ảnh của bản thân trong tương lai “Trên thông thông tư, dưới tường sổ sách”?