Sinh viên trái ngành chuẩn bị thi tuyển dụng như thế nào?

Bài viết này không chỉ dành cho các bạn sinh viên trái ngành như tiêu đề, mà các bạn mới xác định được mục tiêu thi tuyển dụng trong thời gian ngắn cũng có thể tham khảo, do đặc điểm chung là cần sự nỗ lực và cố gắng rất nhiều khi thời gian bị giới hạn. Hãy cùng nhau tìm hiểu những yêu cầu cốt lõi mà mỗi ứng viên cần trang bị để chúng ta từng bước xây dựng cho mình một kế hoạch chuẩn bị phù hợp – đúng và đủ nhé.

1. Tiếng Anh

Có lẽ không phải nghi ngờ gì về tầm quan trọng của ngoại ngữ nữa, đây không chỉ là yêu cầu xuyên suốt quy trình tuyển dụng hay đi làm, mà thông thạo ngoại ngữ sẽ giúp bạn tiếp cận với rất nhiều tài liệu hay lộ trình thăng tiến nghề nghiệp sau này. Hiện nay, các trường đại học đều có yêu cầu tiếng Anh chuẩn đầu ra ở một mức độ nhất định, phụ thuộc vào khối ngành và chương trình học. Tuy nhiên nếu chỉ tập trung các kỹ năng như nghe, đọc để kéo điểm thì về hình thức có thể đáp ứng, nhưng khả năng sử dụng thực sự trong công việc lại vô cùng hạn chế, vốn yêu cầu những kỹ năng đầu ra là nói và viết.

Vậy cụ thể 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết đóng vai trò gì? Trước hết, kỹ năng nghe và đọc giúp các bạn tiếp cận với kiến thức chuyên ngành, phục vụ phần nhiều cho vòng test kiến thức. Kỹ năng nói giúp bạn tự tin thể hiện trong vòng phỏng vấn nhóm và phỏng vấn cá nhân, cũng là 2 vòng có tỷ lệ loại cao nhất vì nhà tuyển dụng còn đánh giá thêm yếu tố kỹ năng mềm và thái độ.

Kỹ năng viết sẽ giúp bạn rút ngắn đáng kể thời gian chuẩn bị CV, Cover letter và làm bài luận trong đề test kiến thức, cũng như sử dụng khi trình bày working papers. Đặc biệt là CV, đó là một bản phản ánh con người bạn trong vòng Final interview nhưng nhiều bạn lại chuẩn bị một cách hời hợt, với suy nghĩ rằng vòng CV screening rất dễ. Như vậy, không kỹ năng nào là không quan trọng cả, hãy đặt mục tiêu và học để có thể sử dụng ngoại ngữ một cách thực sự. Khi năng lực đã có thì mục tiêu chứng chỉ không còn quá xa vời.

2. Kiến thức chuyên ngành

Kiến thức về kế – kiểm – thuế thực sự rất rộng và đây có lẽ là rào cản lớn khiến nhiều bạn học trái ngành phải đắn đo suy nghĩ khi muốn thay đổi định hướng nghề nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy rằng hàng năm, số lượng sinh viên trái ngành đỗ các kỳ tuyển dụng cũng không hề nhỏ. Điều này phần nào nói lên rằng đề test kiến thức sẽ không quá khó vì nếu xảy ra, các bạn học trái ngành sẽ khó có cơ hội cạnh tranh.

Nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm những ứng viên đáp ứng đủ cả 3 thành tố: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Kiến thức là dễ đạt được nhất vì ai cũng có thể học, đào tạo được nếu có đủ thời gian. Trong khí đó 2 thành tố còn lại phụ thuộc vào trải nghiệm cá nhân rất nhiều. Đặc biệt khi các bạn trái ngành dám thay đổi mục tiêu sang kiểm toán, thì từ khâu lên kế hoạch cho đến quá trình thực hiện, các bạn phải nỗ lực hơn rất nhiều và các kỹ năng cũng từ đó mà bộc lộ ra.

3. Kỹ năng và thái độ

Kỹ năng chỉ được hình thành thông qua trải nghiệm thực tế, là quá trình thử và sai cho đến khi áp dụng thành thạo và gặt hái được kết quả. Có nhiều cách để sinh viên rèn luyện như tham gia hoạt động nhóm và trở thành nhóm trưởng, hoạt động trong các câu lạc bộ hoặc đi làm thêm. Để không lãng phí thời gian thì các bạn nên tìm hiểu những kỹ năng cần thiết đối với đặc thù nghề kiểm toán để tập trung cải thiện. Trải nghiệm thực tế, bài học kinh nghiệm sẽ là những điều các bạn nhớ lâu nhất và giúp các bạn tránh khỏi những sai lầm không đáng có.

Hiểu biết về nghề sẽ giúp các bạn có góc nhìn thực tế và có sự chuẩn bị ngay từ đầu. Đặc thù ngành kiểm toán là khối lượng công việc nhiều, phải di chuyển thường xuyên nên rất cần yếu tố sức khoẻ và khả năng chịu đựng áp lực công việc lớn. Đỗ được kỳ tuyển dụng là một chuyện, còn bám trụ và theo đuổi được nghề được bao nhiêu mùa bận lại là một chuyện khác.

Một số trang thông tin cũng đề cập đến dạng thông tin này, nhưng sẽ không thể đầy đủ và chân thực bằng những lời chia sẻ đến từ người làm trong nghề. Vì vậy, hãy gây dựng cho mình những mối quan hệ tốt và tìm cho mình được một Mentor dẫn lối. Nghề nghiệp nào cũng có khó khăn, nhưng biết trước để chuẩn bị tâm thế còn đỡ hơn việc bị sốc khi vào mùa bận, quá áp lực để rồi phải bỏ ngang giữa chừng thành quả mà mình đã tích luỹ được trong suốt quãng đời sinh viên.

Bạn có tò mò về vai trò của mentor trong cuộc đời mình? Hãy tham khảo bài viết này nhé: