3 Điều quan trọng Thực Tập Sinh Kiểm Toán nên biết? 

Bài viết dưới đây là những chia sẻ vô cùng chân thực của mentee KLE Mentoring Program khi đã làm việc trong môi trường kiểm toán và tham gia đào tạo các bạn sinh viên thực tập, mời các bạn cùng đón đọc…. 

1.Thái độ cư xử

Thỉnh thoảng, tớ vẫn phải tiếp xúc với một vài bạn trẻ mà tớ phải thốt lên rằng “he/she doesn’t have any manner”. 

Vậy nên, điều đầu tiên mà tớ muốn nhắn nhủ đối với các bạn, đó là việc có một thái độ cư xử đúng mực là cực kỳ quan trọng. 

Bạn đã bao giờ tự hỏi, tại sao có những người luôn được người khác giúp đỡ, nhưng cũng có người lại chẳng bao giờ nhận được sự giúp đỡ từ những người xung quanh? Tớ sẽ kể cho các bạn nghe hai câu chuyện nhỏ dưới đây. 

1.1. Câu chuyện thứ nhất 

Hồi cách đây một vài năm, tớ từng giới thiệu hồ sơ của một số bạn cho một công ty tư vấn dịch vụ kế toán. Hồ sơ của các bạn ấy đương nhiên là được ưu tiên hơn những người khác. Thời gian đó, tớ thậm chí cũng tư vấn cho các bạn ấy về mặt chuyên môn để có thể thi tuyển. 

Rồi các bạn ấy có lịch thi tuyển chuyên môn, rồi lịch phỏng vấn, … 

Và tất nhiên, chẳng bạn nào nói với tớ bất kỳ một điều gì cả, cho tới khi chị phụ trách tuyển dụng nói chuyện với tớ, tớ mới biết là các bạn ấy đều phỏng vấn xong cả rồi. 

Khi biết thông tin, tớ thực sự không hài lòng chút nào về cách ứng xử của các bạn ấy. Đương nhiên là sau đó, tớ có nhắn tin ngay cho các bạn, và các bạn cũng đã nhắn tin xin lỗi. Đáng lẽ các bạn ấy đã có thể làm tốt hơn. Sau hôm đó, một số bạn được nhận vào công ty tư vấn dịch vụ kế toán kia và làm việc một thời gian. Hiện tại thì bọn tớ vẫn chơi với nhau khá thân, không có vấn đề gì cả. 

1.2. Câu chuyện thứ hai 

Hôm 05/07 vừa rồi, tớ có tổ chức một hội thảo kế toán về chủ đề doanh thu. Ngoài khách đăng ký trả phí để tham dự hội thảo, tớ cũng tạo điều kiện cho một vài người tham dự chương trình miễn phí. 

Có một số bạn, ban đầu nhận lời tham dự chương trình, tuy nhiên sau đó do bận công việc đột xuất nên không tới tham dự được. Các bạn ấy đều nhắn tin ngay cho tớ để thông báo về sự thay đổi trong kế hoạch. Có những bạn, ngày hôm ấy đến muộn, hoặc chỉ tham dự được một buổi thôi, nhưng đều nhắn tin cho tớ để thông báo một cách rất lịch sự. Một vài bạn khác thì sáng hôm đó có mặt ở hội trường từ rất sớm. 

Nhưng cũng có những người, khi tớ gửi thư mời tham dự chương trình thì tỏ ra rất hào hứng, nói chắc như đinh đóng cột rằng họ sẽ tham dự. Nhưng tới ngày tổ chức chương trình thì không thấy đâu. Facebook thì cập nhật ảnh đang đi du lịch, trong khi thông tin về chương trình tớ đã gửi trước đó một tháng. 

Chỉ một việc làm đơn giản thôi, đó là thông báo cho ban tổ chức rằng các bạn ấy hôm đó sẽ không tới tham dự chương trình. Đối với các bạn, việc tham dự chương trình là miễn phí. Nhưng đối với ban tổ chức chương trình, chúng tớ mất chi phí để chuẩn bị chỗ ngồi, trà, cafe, nước uống, in ấn tài liệu học, và quan trọng hơn, có thể có những bạn trẻ thực sự muốn tham dự chương trình nhưng lại không có cơ hội, vì sự thiếu trách nhiệm này. 

Lại một lần nữa, những con người trên hoàn toàn có thể làm tốt hơn, từ những sự việc nhỏ nhất. 

2. Sự ỷ lại

Kiểm toán là một môi trường mà mọi người luôn giúp đỡ lẫn nhau. Cái này là một đặc thù của nghề rồi, và là thứ mà không phải môi trường nào cũng có được. 

Nhưng các bạn trẻ hãy luôn tâm niệm một điều, nếu có một ai đó sẵn sàng giúp đỡ bạn trong công việc, thì đó hoàn toàn là lòng tốt của họ. 

Bạn được trả tiền cho những gì bạn làm, còn họ cũng được trả lương để hoàn thành những việc mà công ty giao. Vậy nên, việc bạn thiếu kỹ năng, kiến thức và không có đủ khả năng hoàn thành được công việc, hoàn toàn là do sự yếu kém của bạn. Đồng nghiệp có thể lựa chọn giúp đỡ bạn, nếu họ muốn. Nhưng họ hoàn toàn không có nghĩa vụ phải làm vậy, trừ khi họ nhận tiền của công ty để đào tạo cho bạn. 

 

Vậy nên, nếu như có đồng nghiệp giúp đỡ bạn, hãy biết ơn vì điều đó. Nếu đồng nghiệp không giúp đỡ bạn, hãy cứ nghĩ nó là việc bình thường, bởi vì việc của ai thì người đó làm. Bạn đừng trông chờ người khác làm thay cho bạn những công việc mà bạn được trả lương để thực hiện. 

3. Những kỹ năng tối thiếu phải biết

Chuyện một bạn sinh viên mới ra trường còn thiếu các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc là một điều hết sức bình thường. Nhưng đó là đối với các kiến thức và kỹ năng chuyên ngành phục vụ cho công việc. 

Còn khi làm việc, có những kỹ năng tối thiếu mà bạn bắt buộc phải biết. 

Cách đây nhiều năm, khi tớ ra quán để in luận văn tốt nghiệp, tớ bắt gặp cảnh rất nhiều các bạn trẻ đang ngồi trong quán in, rồi chỉ tay năm ngón kiểu: 

  • Anh ơi, anh căn lề giúp em chỗ này; 
  • Anh ơi, anh giúp em làm mục lục trang nhé; 
  • Anh ơi, anh chèn giúp em cái này; 
  • Vân vân, mây mây. 

Rồi tớ tự hỏi bản thân một điều. Các bạn muốn làm công việc văn phòng, nhàn hạ, nhưng đến một kỹ năng đơn giản nhất là chỉnh sửa văn bản cũng không chịu làm, không chịu học, thì sau này các bạn ấy định làm việc như thế nào, và định cạnh tranh công việc với người khác như thế nào? 

Thời đại bây giờ, tất cả mọi thứ đều có thể học trên internet. Vậy nên, trong phần lớn các trường hợp, chẳng có điều gì để biện minh cho việc các bạn trẻ thiếu thốn các kỹ năng tin học văn phòng cả, ngoài việc lười. 

Tất nhiên, vẫn là những con người ấy, trong bản CV xin việc vẫn luôn đề là trình độ tin học văn phòng tốt. Có lẽ, khả năng tin học văn phòng ở đây được đo lường bằng thời gian lướt facebook và youtube rồi. 

Khi đi làm kiểm toán, ngoài các kiến thức chuyên môn, tớ luôn đào tạo cho các bạn trẻ về các kỹ năng tin học văn phòng như xử lý dữ liệu kiểm toán, xử lý thư xác nhận, cách chuyển đổi bảng mã giữa TCVN3 và Unicode, cách sử dụng công cụ pivot table, cách sử dụng tính năng trộn thư, … 

 

Tớ vẫn luôn quan niệm đây không phải là các kiến thức phổ thông, vây nên việc các bạn không biết là điều hết sức bình thường. Nhưng có những người, tớ từng giao việc mà cảm giác, đây là lần đầu tiên trong đời họ sử dụng các công cụ Word, Excel. Tức là họ không biết cách để sử dụng ngay cả những chức năng cơ bản nhất. 

Đi làm kiểm toán, và bạn nghĩ rằng đồng nghiệp sẽ dành thời gian dạy cho bạn về cách sử dụng Word và Excel? Có những thứ mọi người sẽ sẵn sàng dạy cho bạn, nhưng cũng sẽ có những thứ tối thiểu mà bạn bắt buộc phải biết, trước khi làm bất kỳ một công việc gì. Còn các kỹ năng đó là gì, bạn hãy thử dành thời gian suy nghĩ xem nhé. 

Kết luận 

Hy vọng những chia sẻ này sẽ mang đến cho các bạn sinh viên cái nhìn cụ thể hơn về môi trường làm việc tại các công ty kiểm toán, cũng như những kiến thức và kinh nghiệm quý giá để chuẩn bị cho con đường nghề nghiệp tương lai. 

KLE Mentoring Program tin rằng mỗi cá nhân đều tiềm ẩn những năng lực phi thường. Hãy luôn tin tưởng vào bản thân, không ngừng học hỏi, rèn luyện và nắm bắt cơ hội để biến ước mơ thành hiện thực. 

Những bạn nào còn thiếu kinh nghiệm, cảm thấy khó khăn trong hành trình làm thực tập sinh kiểm toán thì các bạn có thể tìm hiểu thêm về khóa “Học làm trợ lý kiểm toán”. Tên của khóa học phản ánh chính là những gì bạn sẽ học. Liên hệ ngay với chúng mình nếu bạn muốn tham khảo thêm thông tin về khóa học này nhé!

0977 532 090