KIỂM TOÁN CÁC TỔ CHỨC TÀI CHÍNH CÓ VUI? VÀ ĐÂY LÀ TRẢI NGHIỆM CỦA MÌNH TRONG 3,5 THÁNG THỰC TẬP TẠI DELOITTE VIỆT NAM…
Annyeong, mình là Giang a.k.a mentee Gen 2 của KLE. Có lẽ các bạn đều đã đọc các bài review và chia sẻ của các anh chị đến từ KPMG, PwC và EY rồi. Duy chỉ còn một mình firm màu xanh lá là chưa thấy động tĩnh gì, cho nên nhân ngày kỷ niệm 2 tháng tốt nghiệp thực tập để trở thành nhân viên chính thức, anh xin phép chia sẻ những trải nghiệm tuyệt vời của anh khi làm việc tại Deloitte Việt Nam
1. Văn hóa và con người của Deloitte Việt Nam?
Nhiều bạn bên ngoài thường lầm tưởng rằng nhân viên ở Deloitte sẽ uống rượu bia giỏi và ở đây có văn hóa rượu bia. Tuy nhiên anh xin khẳng định là không phải vì việc uống rượu bia nhiều hay ít phụ thuộc vào mỗi người, không ai ép ai và firm nào cũng có người uống giỏi và uống kém, người thích uống và không thích uống. Nếu các em uống rượu bia không tốt thì khi đi khách hàng, các em hãy báo và hỏi anh chị SIC trước đó để tìm cách xử lý nhé (cái này anh nghĩ ai cũng có cách phòng vệ riêng cho mình, nhưng thực tế có nhớ để áp dụng hay không thì anh không biết 😂).
Ngoài ra, hãy nhớ ở Deloitte sung sướng nhất là Intern vì các anh chị sẽ dạy và chia sẻ cho em mọi thứ từ A-Z. Điều này không có nghĩa là lên nhân viên chính thức em không được dạy từ A-Z nữa, mà là khi các em lên nhân viên thì cách dạy của anh chị sẽ khác và không còn được chăm bẵm như hồi Intern. Văn hóa chia sẻ ở Deloitte (Shared Beliefs/Values) đến từ mọi cấp bậc, nhiều khi em sẽ được làm việc cùng các anh chị Manager trong team luôn và đôi khi các em sẽ nhận được những lời nhận xét giá trị từ anh chị Manager, hãy lưu lại và học hỏi từ những nhận xét đó nhé.
2. Kiểm toán các tổ chức tài chính?
Kiểm toán các tổ chức tài chính (Financial Institutions) sẽ khác so với kiểm toán các doanh nghiệp bình thường. Điểm khác biệt đầu tiên chính là cách vận hành của các tổ chức tài chính, tiếp đến là sự khác biệt về hệ thống văn bản, chuẩn mực, thông tư trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính. FIs thường bao gồm ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quỹ/quản lý tài sản và công ty bảo hiểm (đây là 4 loại hình doanh nghiệp thường gặp đối với FIs). Về mục tiêu kiểm toán thì các cơ sở dẫn liệu trong kiểm toán FIs và kiểm toán doanh nghiệp thông thường thì tương tự nhau. Tuy nhiên, với FIs thì thủ tục kiểm toán được bổ sung nhiều hơn do có một số khoản mục mà doanh nghiệp bình thường không có. Bài viết này anh sẽ tập trung nói về kiểm toán ngân hàng nha vì đợt thực tập này anh được book job Ngân hàng và 1 job sản xuất là công ty con của Ngân hàng luôn.
Đi job Ngân hàng kỳ Final có nhược điểm là các em sẽ không được đi tỉnh/đi xa trung tâm nội thành so với các bạn phòng sản xuất, và đôi khi phải tự bỏ tiền điện thoại nói chuyện với khách hàng do kiểm toán ngân hàng cần khách hàng cung cấp rất nhiều tài liệu. Nhưng ưu điểm thì rất nhiều:
- Các em được làm ở Hội sở Ngân hàng tại trung tâm Hà Nội với căn phòng to vật vã;
- Deadline không quá eo hẹp như các job sản xuất vì thường bạn nào đi ngân hàng kỳ Final là chỉ có đi nguyên 1 job ngân hàng suốt 3 tháng thực tập thôi (em có thể được book thêm 1-2 jobs khác nữa nếu các jobs đó đang thiếu người nhé);
- Độ thân mật giữa các thành viên trong team được khăng khít từng ngày. Điều này khiến anh tự hào nhất khi làm job ngân hàng vì các anh chị và các bạn Intern trong team anh đều là những con người tuyệt vời, rất thân thiện và thi thoảng hay tạo không khí vui vẻ để cả team thư giãn khi làm việc. Đó cũng là lí do dù có đi làm thứ 7 anh vẫn vui vẻ và thích thú làm việc với mọi người trong team mà không thấy mệt.
- Gọi điện yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu thường được khách hàng nâng niu và ân cần gửi tài liệu, thi thoảng có một số cases về khách hàng khó tính thì các em có thể nhờ sự trợ giúp từ các anh chị. Cũng nhờ làm kiểm toán ngân hàng mà giờ anh đã cứng hơn khi nói chuyện điện thoại rất nhiều đó. Ngoài ra còn nhiều ưu điểm khác nữa mà dài quá và cũng là cảm nhận của cá nhân nên anh không nói ở đây.
Đối với thủ tục kiểm toán, thông thường Intern được giao làm nhiều thủ tục với từng giai đoạn khác nhau. Đầu tiên và điển hình với Intern chính là thủ tục Loan review (cách gọi của Deloitte, còn KPMG gọi là Credit review), cũng là thủ tục mà nhiều anh chị Intern kiểm toán FIs trước mô tả là siêu ngán ngẩm 😂. Đúng là làm nhiều thủ tục này thì các em sẽ bị chán thật, nhưng nếu hiểu rõ hơn mục đích thì nó sẽ giúp em bớt chán đi phần nào. Anh sẽ có một bài viết về các thủ tục mà Intern cần thực hiện khi kiểm toán FIs sau nhé, vì bài viết này không tập trung vào kiến thức mà là trải nghiệm.
Vì anh là Intern nên anh được giao làm loan reviews cho các khoản vay cá nhân, còn các khoản vay doanh nghiệp thì anh được giao support tài liệu + phân tích cơ bản cho anh chị A1 (Ở Deloitte thì A1 là nhân viên cấp độ bé nhất, sau đó là A2 và Senior nha). Ngoài ra anh được giao thực hiện phần hành tài sản cố định của ngân hàng, thường thì các bạn Intern sẽ được làm phần hành ít rủi ro như tài sản cố định, tiền và chi phí hoạt động nhé. Tất nhiên để lên được working paper đối với các phần hành này là không đơn giản vì các em phải liên tục và nhờ các anh chị trong team hướng dẫn. Ngoài ra các em sẽ được giao làm thủ tục kiểm tra chi tiết Interest income, Ref (tham chiếu) thư xác nhận cũng như một số đầu việc admin khác. Về Ref thư xác nhận, ở kiểm toán ngân hàng thì số lượng chọn mẫu gửi thư xác nhận là rất lớn nên các em phải quản lý và ref rất nhiều. Anh khá là tự hào về bản thân khi đã gọi điện khách hàng “đòi” TXN và ref được 312/390 thư 😊.
Còn tiếp…