GPA có quan trọng khi thi tuyển dụng không?

GPA có quan trọng khi thi tuyển dụng

GPA (Grade Point Average) là kết quả học tập trung bình trong một học kỳ. Có hai thang điểm GPA được sử dụng phổ biển đó là hệ số (thang điểm 10) và hệ chữ (thang điểm 4, bao gồm A, B, C, D). Đối với việc học tập trên trường, GPA sẽ đi cùng với điểm rèn luyện để các bạn xếp loại, xét học bổng hay sau này là xét tốt nghiệp.

GPA thi tuyển dụng

 

1. GPA trong học tập

” GPA có phản ánh năng lực thật sự của mỗi người?”

Có rất nhiều bạn sinh viên coi điểm GPA học tập trên trường như một “thước đo” để so sánh với các bạn học xung quanh. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy rằng, những bạn có điểm GPA cao chưa chắc đã có năng lực làm việc tốt và ngược lại những bạn có điểm GPA thấp không đồng nghĩa là bạn ấy có năng lực làm việc yếu kém. Chính vì vậy, câu trả lời cho câu hỏi được đặt ra ở phía trên sẽ là: GPA là chỉ số phản ảnh kết quả và quá trình học tập chứ không phản ánh hết được kết quả đầu ra. 

Một bạn sinh viên có điểm GPA cao có thể xuất phát từ sự chăm chỉ, dành thời gian đáng kể cho việc học, bao gồm tham gia đầy đủ các buổi học, làm bài tập và có thói quen tự đọc trước tài liệu. Hoặc các bạn có khả năng tiếp thu bài tốt thì không cần bỏ ra quá nhiều nỗ lực như trường hợp trên. Cũng có trường hợp quá trì hoãn trong quá trình học và sẽ dồn toàn bộ việc học và ôn thi trong vài ngày cuối nhưng vẫn đạt kết quả tốt. Ngược lại sẽ có trường hợp “học tài thi phận” hoặc đơn giản là chưa đặt sự ưu tiên thực sự cho việc học, dẫn đến kết quả GPA không như mong muốn.

 

2. GPA trong thi tuyển dụng

Đối với vòng CV screening tại các công ty, GPA được coi như một tiêu chí đánh giá vì nó thể hiện tinh thần trách nhiệm của các bạn với việc học, với nhiêm vụ chính khi học đại học. Một bạn ghi trong CV của mình là người có tinh thần trách nhiệm nhưng điểm GPA thì không phản ánh được điều đó. Điều này vô tình tạo nên sự đối lập và khả năng cao các bạn sẽ được hỏi ở vòng phỏng vấn cá nhân. Do đó các bạn nên tìm nguyên nhân thực sự đối với kết quả GPA của mình. Vòng CV và phỏng vấn cá nhân thực chất là cùng phản ánh một con người, dưới dạng chữ viết và lời nói.

Như đã đề cập phía trên, GPA chỉ là một yếu tố để đánh giá ứng viên mà thôi. Chúng ta đang có rất nhiều cơ hội tiếp cận các trang thông tin, có các anh chị đi trước chia sẻ kinh nghiệm. Vì vậy hãy chủ động tìm hiểu thông tin, tìm hiểu xem ngoài kia xã hội cần gì, yêu cầu công việc là gì để mình từng bước hoàn thiện bản thân. Có lẽ các bạn cũng tự thấy rằng việc sắp xếp thời gian tham gia các hoạt động hoặc đi làm thêm để trau dồi kỹ năng là hoàn toàn có thể, bên cạnh việc học trên trường. Vì trong khung đánh giá năng lực chuẩn quốc tế ASK thì một thí sinh không chỉ cần có kiến thức (Knowledge) mà yếu tố đóng vai trò quyết định chính là Kỹ năng (Skills) và Thái độ (Attitude).

 

3. Vậy giải pháp là gì?

Để đạt mức điểm số chất lượng thì bạn hoàn toàn có thể làm được nếu chú ý từ những buổi học đầu tiên và học tập với một thái độ nghiêm túc. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian cho giai đoạn sau. Từ đó có thêm thời gian cho các trải nghiệm mỗi khi deadline thi học kỳ đến gần. Chuyện “học tài thi phận” vẫn có thể xảy ra, nhưng vận xui không thể kéo dài mãi. Nếu điều đó tiếp diễn liên tục thì cũng là lúc bạn nên nhìn nhận lại quá trình và đối chiếu với mục tiêu GPA ban đầu.

Có một thực tế là bên cạnh những bạn không biết cách phân bổ thời gian và nguồn lực, dẫn đến ra trường có được kiến thức nhưng thiếu hụt về kỹ năng và/hoặc thái độ, thì có những bạn dung hoà được các yếu tố trên. Điều này dẫn đến một bất lợi đối với các bạn chỉ mạnh về một mảng. Vì vậy, hãy chủ động tìm hiểu các yêu cầu cần thiết cho vị trí công việc sau này và lên kế hoạch bổ sung các yếu tố còn thiếu tại mỗi thời điểm. Đừng để sự thiếu hụt của một thành tố trở thành trở ngại lớn. Không ai có thể viết hộ câu chuyện của bản thân cả, vì với mỗi công ty, ban chỉ có 01 cơ hội để chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy thái độ chuẩn bị, kế hoạch nghề nghiệp có phù hợp với mong đợi của công ty hay không mà thôi.