Kinh nghiệm thi tuyển dụng kiểm toán [Part 1] – Bí quyết vượt qua vòng CV và Group Interview 

Ngành kiểm toán luôn thu hút đông đảo ứng viên bởi mức thu nhập hấp dẫn, môi trường làm việc chuyên nghiệp và cơ hội phát triển rộng mở. Tuy nhiên, kỳ thi tuyển dụng vào các công ty kiểm toán uy tín thường được đánh giá là “cửa hẹp” đầy thử thách với nhiều thí sinh. 

Hiểu được điều này, KLE Mentoring Program ra đời với sứ mệnh đồng hành cùng các bạn trẻ trên con đường chinh phục ước mơ trở thành kiểm toán viên chuyên nghiệp. Chương trình học tại KLE cung cấp các khóa học chuyên sâu về kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm và đặc biệt là bí quyết chinh phục phần thi viết CV và phỏng vấn nhóm – hai “vòng đai” quan trọng trong kỳ thi tuyển dụng kiểm toán. 

Bài viết này sẽ chia sẻ những kinh nghiệm quý báu được đúc kết từ đội ngũ Mentors dày dặn kinh nghiệm của KLE Mentoring Program, giúp bạn tự tin bước vào kỳ thi tuyển dụng kiểm toán sắp tới và biến ước mơ trở thành hiện thực.

1. Chuẩn bị CV thế nào để tạo ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng

Các bạn ứng cử viên thường xuyên nhận được câu hỏi đó là “Em có gì ấn tượng và khác với các bạn ứng viên còn lại?”. Câu trả lời mà các bạn sinh viên thường trả lời đó là bạn không thấy mình có gì ấn tượng hoặc một sự im lặng. Thực ra không phải bạn không biết viết một chiếc CV vì mẫu CV đầy trên internet mà là bạn không có chất liệu để làm nên một chiếc CV chất lượng mà vào phút cuối bạn mới nhận ra điều đó, còn trong quá trình bạn đã không để ý hoặc lờ nó đi. 

CV phản ánh chính về bản thân mỗi chúng ta, thường bao gồm một số mục như: mục tiêu nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm, thành tích học tập và đâu đó cũng thể hiện tư duy, thái độ của chúng ta trong việc chuẩn bị cho cơ hội nghề nghiệp chúng ta đang hướng tới. Một chiếc CV ấn tượng đó chính là khi bạn trang bị cho mình thật đầy đủ những gì nhà tuyển dụng mong đợi để khi đi làm bạn có thể đáp ứng yêu cầu của công việc. 

Vậy trong quá trình chuẩn bị bạn đã xác định mục tiêu rõ ràng hay chưa? Đã tìm hiểu kỹ về các yêu cầu của nghề hay chưa? Và sau cùng là đã thực sự trang bị năng lực của bản thân cho phù hợp với nghề hay chưa? Hay vẫn đang có suy nghĩ tham gia các khóa học chứng chỉ này, chứng chỉ kia để làm đẹp cái CV nhưng thực chất bạn lại không tự tin về kiến thức mình học ở khóa học đó? Các bạn nên nhớ nhà tuyển dụng họ tuyển bạn, thuê năng lực của bạn chứ không phải vì bạn tham gia học cái này, cái kia nhé.  

Ví dụ: bạn muốn thi kiểm toán Big4: 

  • Kiến thức chuyên môn: bạn có tự tin vào kiến thức kế toán, kiểm toán, thuế của bạn chưa, bao gồm cả VAS, thông tư 200/2014/BTC và IFRS ở cấp độ căn bản một thực tập sinh cần biết. 
  • Kỹ năng: bạn có tự tin giao tiếp, thuyết trình bằng tiếng anh trước đám đông không, nếu không thì làm sao vượt qua vòng Phỏng vấn nhóm và cá nhân? Bạn có biết làm việc teamwork là thế nào hay không? Kỹ năng có thể ngồi đọc sách mà ra hay phải mất nhiều thời gian và có môi trường thực hành mới hình thành được? Ví dụ: Muốn cải thiện kỹ năng nói tiếng anh mà không nói chỉ ngồi đọc, có thể cải thiện được hay không? Đây là lý do vì sao KLE có rất nhiều hoạt động, tập trung xây dựng môi trường thực hành cho mentees của mình. Con số 90% đỗ tuyển dụng chỉ là hệ quả của sự phù hợp với mong đợi của nhà tuyển dụng mà thôi.
  • Thái độ: Bạn có những trải nghiệm gì để kể cho nhà tuyển dụng nghe ở Final interview về mục tiêu, văn hóa của mình, cách mình ứng xử trong tập thể ra sao? Quá trình chuẩn bị của bạn, bạn có gì khác so với các ứng viên xuất sắc khác? Bạn hiểu đi làm kiểm toán phải như thế nào hay không? Các kỹ năng phù hợp với nghề của bạn là gì? Bạn nghiêm túc trang bị nó thế nào trước khi nộp CV? 

Tóm lại, một chiếc CV ấn tượng thực ra là bạn đã chuẩn bị trong quá trình ấn tượng thế nào, bạn có gì để kể cho nhà tuyển dụng nghe để họ thấy ấn tượng về bạn. Nếu bạn đã có rất nhiều trải nghiệm trong quá trình chuẩn bị và hướng tới mục tiêu đề ra rõ ràng thì bạn sẽ không thiếu thông tin hay chất liệu để viết một chiếc CV ấn tượng. Khâu còn lại chỉ là trình bày một chiếc CV thế nào cho thật chuyên nghiệp mà thôi. Để có một chiếc CV ấn tượng chính là một quá trình trang bị cho bản thân mình phù hợp để đáp ứng yêu cầu của nghề chứ không phải chỉ là 1 buổi hướng dẫn hay chữa CV mà bạn sẽ có một chiếc CV ấn tượng. Bạn hoàn toàn có thể tìm trên Internet và làm theo. 

Nếu bạn thắc mắc vì sao KLE có nhiều chương trình như hội thảo, cuộc thi, teambuilding, học nhóm…. thì chính là để mentees có thể có nhiều trải nghiệm và môi trường cải thiện các kỹ năng của mình nhằm đáp ứng yêu cầu của mục tiêu. 

Chia sẻ từ anh Nguyễn Hoàng Duy – Founder KLE Mentoring Program

2. Cover letter

2.1. Khái niệm Cover letter 

Cover letter chính là một thành phần không kém phần quan trọng trong bộ hồ sơ xin việc của ứng viên. Cover letter có thể hiểu nôm na là Đơn/Thư xin việc và được gửi kèm cùng với CV. Đôi khi Cover letter là không bắt buộc phải có nhưng khi bạn chuẩn bị được một Cover letter thật tốt thì đây sẽ là điểm cộng lớn đối với nhà tuyển dụng. Đây được coi là lời tự giới thiệu bạn thân bạn với nhà tuyển dụng (bạn có thể bổ sung thêm về các vấn đề mà CV của bạn không đề cập tới và giải thích chi tiết và đi sâu vào những gì bạn đã viết trong CV), trình bày lý do cũng như thuyết phục nhà tuyển dụng việc bạn phù hợp với công việc ứng tuyển. 

Chia sẻ từ Chị Vũ Hà Trang, EY Vietnam

2.2. Lưu ý khi viết Cover letter 
  1. Trình bày trong 1 trang giấy
  2. Cách lề từ 1” đến 1,5”
  3. Sử dụng font chữ chuyên nghiệp và cỡ chữ không quá nhỏ (lớn hơn hoặc bằng 12)
  4. Một Cover letter hoàn chỉnh thì các bạn cần viết đủ 4 phần như sau nhé:
  • Thông tin liên lạc: gồm có thông tin liên hệ của bạn (địa chỉ, số điện thoại và email cá nhân). Dưới thông tin chi tiết liên hệ cá nhân thì các bạn cần bổ sung thêm các thông tin nhà tuyển dụng như là: Ngày viết thư, tên công ty, địa chỉ công ty…
  • Phần mở đầu: Đầu tiên bạn nên nêu rõ vị trí ứng tuyển. Sau đó, đó là lời chào mở đầu. Trong trường hợp bạn không biết được tên người tuyển dụng thì những cách viết như là “Dear Mr/ Ms,”, “Dear [Tên công ty],”, “Dear Hiring Manager,” hay “Dear Recruiting Team,”,… cũng chấp nhận được. Tuy nhiên, mình thấy một số công ty lại có tên bộ phận tuyển dụng khác nhau. Ví dụ như EY Vietnam sẽ là EY Talent Team, Deloitte Vietnam là Human Resources Team, KPMG và PwC Vietnam là Recruitment Team. Tiếp theo là giới thiệu về bản thân bạn: phần này bạn hãy nêu ngắn gọn với các nội dung như: Vị trí bạn muốn ứng tuyển; Kênh thông tin tiếp cận với thông tin tuyển dụng; Những thông tin cơ bản về bản thân: trường đang học, chuyên ngành, mục tiêu nghề nghiệp của bạn.
  • Phần thân thư: Hãy mô tả kinh nghiệm, kỹ năng và khả năng làm việc của bạn trước đây sẽ giúp bạn đáp ứng được nhu cầu của công ty như thế nào. Sau đó, bạn sẽ giải thích với nhà tuyển dụng tại sao bạn chính là người phù hợp mà họ đang tìm kiếm. Nhắc lại với họ những điểm mạnh của bạn, kinh nghiệm làm việc của bạn là phù hợp với vị trí ứng tuyển. Hãy thể hiện sự phù hợp và mong muốn của bản thân và thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn là người họ đang tìm kiếm.
  • Phần kết: Hãy viết lời Cảm ơn nhà tuyển dụng vì đã dành thời gian đọc thư của bạn, thể hiện mong muốn nhận được phản hồi và nhắc lại các thông tin liên hệ của bạn. Cuối cùng là phần chữ ký, các bạn không nên bỏ qua nhé.

3. Một số yếu tố giúp bạn nổi bật trong vòng Group Interview

Với những bạn có ý định hay đã từng thi tuyển dụng tại Big 4, hẳn mọi người đều đã biết tới Group Interview. Group Interview là một hình thức phỏng vấn mà trong đó có sự tham gia của nhiều ứng viên với một (hoặc một vài) người phỏng vấn. 

Đối với Big 4, đây là vòng có tỉ lệ loại khá cao trong 4 vòng, mỗi Big sẽ có những tiêu chí khác nhau để đánh giá ứng viên. Deloitte thường sẽ có những case study về kiến thức chuyên ngành để vừa đánh giá được chuyên môn vừa đánh giá được cách làm việc nhóm và tính cách của từng ứng viên. Tuy nhiên những năm gần đây Deloitte đã bỏ vòng Group Interview ra khỏi quy trình tuyển dụng. EY và PwC lại có những case study về các vấn đề nổi cộm của xã hội để đánh giá cách nhìn nhận, suy nghĩ và cách lập luận đến vấn đề của thí sinh. KPMG thì vừa có vòng phỏng vấn với nhân sự vừa có các case về các tình huống mà Kiểm toán viên thường gặp trên thực tế. 

Tuy cách đánh giá và thi có phần khác nhau giữa các firm nhưng vòng này vẫn sẽ có một số lưu ý chung giúp bạn “ghi điểm” thêm trong mắt các nhà tuyển dụng như sau: 

  • Đừng quá tập trung vào kết quả mà bỏ qua quá trình. Với vòng phỏng vấn này, nhà tuyển dụng đôi khi không hướng tới việc bạn ra được kết quả cuối cùng như thế nào mà quan tâm hơn đến quá trình bạn xử lý các case đấy ra sao và thể hiện các kỹ năng như teamwork, leadership, problem solving… như thế nào. 
  • Hãy luôn chủ động, đây là một trong những cách có thể khiến bạn thể hiện được nhiều nhất của bản thân, cách bạn tác động tới mọi người trong môi trường làm việc nhóm và còn các kỹ năng khắc như biết lắng nghe, quản lý thời gian, … 
  • Nếu không làm leader, hãy là thành viên tích cực. Bạn hãy thể hiện mình có những ý kiến đóng góp, xây dựng một cách tích cực nhất cho nhóm, đừng lấn át, chê bai hay là kẻ phá bĩnh, hãy thể hiện ra mình là mắt xích quan trọng và hỗ trợ cho nhóm đi đến phương án, giải pháp tốt nhất. 
  • Hãy luôn chú ý đến thời gian. Có thể có nhiều hơn 1 câu hỏi tại vòng Group Interview, vì vậy hãy cân đối và chú ý thời gian để đảm bảo cả team đã trả lời và thảo luận hết các câu hỏi mà nhà tuyển dụng đã đưa ra. 
  • Trước khi bắt đầu xử lý vấn đề gì, hãy đưa ra quá trình làm việc trước. Bằng cách này nó sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro về mặt quản lý thời gian không tốt hay không biết cách bắt đầu từ đâu.

4. Kết luận

Qua những chia sẻ chi tiết về kinh nghiệm thi tuyển dụng kiểm toán, đặc biệt là phần viết CV và phỏng vấn nhóm, KLE Mentoring Program hy vọng đã mang đến cho bạn những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự tin bước vào kỳ thi tuyển dụng sắp tới. 

Hãy nhớ rằng, chìa khóa thành công nằm ở sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trau dồi kiến thức chuyên môn và rèn luyện kỹ năng mềm. Tham gia các khóa học tuyển dụng kiểm toán tại KLE Mentoring Program để được hỗ trợ bởi đội ngũ mentor dày dặn kinh nghiệm, giúp bạn nâng cao năng lực và tự tin chinh phục mọi thử thách trong hành trình chinh phục ước mơ trở thành kiểm toán viên chuyên nghiệp.