Kinh nghiệm thi tuyển dụng Kiểm toán [Part 2] – Những lỗi thường gặp khi viết CV bạn nên biết!

Đến mỗi mùa tuyển dụng, các nhà tuyển dụng đặc biệt là Big4 thường có vài nghìn CV để xem. Do đó, họ thường chỉ dành vài chục giây để lướt qua mỗi CV và đánh giá xem các ứng viên có phù hợp với những yêu cầu cho vị trí họ tìm kiếm hay không. Nắm rõ được những điều mà nhà tuyển dụng muốn thấy trong bản CV sẽ giúp bạn tạo ra sự khác biệt giữa hàng trăm CV khác. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ chú trọng đến một số yếu tố chính mà quên đi những “sát thủ” thầm lặng có thể khiến hồ sơ của bạn bị rơi vào quên lãng. Vì thế dưới đây là một số lỗi thường gặp khi viết CV các bạn nên tránh để có những chiếc CV hoàn thiện hơn nhé!

1. Viết CV mục đích duy nhất là pass vòng CV chứ không phải vòng phỏng vấn cá nhân

CV và vòng phỏng vấn cuối (Final Interview) đơn giản chỉ là 2 vòng nói về cùng 1 con người bằng chữ và lời nói – cần sự nhất quán thông tin. 

Bên cạnh đó, ứng viên nên tránh viết những thông tin chỉ tham khảo trên mạng mà không có thực về bản thân. Bằng cách này hay cách khác, nhà tuyển dụng sẽ phát hiện ra những thông tin không đúng sự thật. Thử đặt mình là nhà tuyển dụng, bạn có chắc mình muốn tuyển một nhân viên không trung thực hay không? 

Hãy tập trung nhấn mạnh đam mê của bạn đối với công việc, những hiểu biết của bạn về công ty thông qua tìm hiểu về tầm nhìn, sứ mệnh, cách thức công ty vận hành và xây dựng thương hiệu; chiến lược kinh doanh và văn hóa của công ty. Tập trung hơn vào công việc và bộ phận bạn ứng tuyển là một cách để gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng. 

2. Viết CV xin việc quá dài

CV không phải là một bài luận nhàm chán và quá quy tắc. Đừng “ru ngủ” nhà tuyển dụng với quá nhiều con chữ, dài dòng và rườm rà. Ứng viên nên viết CV ngắn gọn và súc tích. 

Lời khuyên từ các chuyên gia tuyển dụng, bạn nên viết CV chỉ trong 1 trang A4; hoặc nếu có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng, CV của bạn chỉ dài nhiều nhất 2 trang. Trình bày những chi tiết cô đọng nhất, không lan man dài dòng; tuy nhiên, ngắn gọn vẫn phải đầy đủ thông tin, thể hiện được vị trí bạn ứng tuyển, lý do bạn xứng đáng nhận được vị trí này. 

3. Thông tin không phù hợp với nghề

Ví dụ: apply vị trí kiểm toán nhưng thông tin toàn về những ngành nghề khác như Marketing, Sales… 

CV là bản tóm tắt thể hiện kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và các điểm mạnh của bản thân. Sự thể hiện này nhằm thông báo: “tôi phù hợp với vị trí ứng tuyển”. Với kiểm toán viên, một số tiêu chí bạn nên nhấn mạnh là kỹ năng sử dụng excel, kĩ năng quản lý thời gian, tư duy phân tích, làm việc nhóm …. phải đặc biệt lưu ý về “sự phù hợp” nhé.

4. Lỗi chính tả và ngữ pháp

CV là điều ấn tượng đầu tiên bạn để lại với nhà tuyển dụng. Chỉ một lỗi sai chính tả nhỏ cũng có thể khiến nhà tuyển dụng kết luận rằng bạn đã không dành đủ tâm huyết cho cơ hội này. Vì vậy, không chỉ kiểm tra bằng chế độ “spelling and grammar” của MS Word, tự mình cẩn thận đọc qua toàn bộ CV đã viết, bạn hãy nhờ một hoặc hai người bạn xem xét nó lần nữa.

5. Định dạng bài viết rườm rà, phức tạp

Hãy tránh tô đậm, sử dụng hình hộp, bảng, cột, phông chữ cách điệu, tranh ảnh và màu sắc…vv…vì chúng khó đọc, fax,copy hay là scan. Thiết kế đơn giản với màu sắc rõ ràng sẽ giúp CV của bạn trông chuyên nghiệp hơn. 

Nếu để ảnh vào CV, bạn phải đảm bảo rằng bức ảnh trông thật ưa nhìn và chuyên nghiệp, để nhà tuyển dụng nhìn thấy là có thiện cảm ngay. Ấn tượng ban đầu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc bạn có được vào vòng trong hay không!

6. Sắp xếp thông tin sai trật tự

Các nhà tuyển dụng chủ yếu tập trung sự quan tâm đầu tiên vào các thông tin quan trọng nhất. Bởi vậy, khi sắp xếp về mặt thời gian, bạn nên đưa những mốc thời gian từ gần nhất đến xa nhất. Và những thông tin quan trọng nên để ở phía trên.

7. Viết mục tiêu nghề nghiệp không ấn tượng

Mục tiêu nghề nghiệp xuất hiện ở phần đầu của CV, là mục đầu tiên thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Mục tiêu nghề nghiệp mang nặng sứ mệnh tiếp thị và giới thiệu bạn thất ấn tượng đế nhà tuyển dụng. Bạn nên nghiên cứu thật kỹ công việc, ngành nghề đang ứng tuyển và bản mô tả công việc để biết nhà tuyển dụng cần gì và có cho bản thân mục tiêu nghề nghiệp phù hợp nhất.

8. Kinh nghiệm nghe có vẻ “Khủng” nhưng thực chất lại “sơ sài”

Ngoài vị trí công việc mà bạn đã có kinh nghiệm, nhà tuyển dụng còn muốn biết thêm cụ thể về trách nhiệm bạn được giao, thành quả, kỹ năng đạt được. 

Hãy chú ý nhấn mạnh vào kết quả công việc: Đưa vào những kỹ năng và thành tựu đạt được để nhà tuyển dụng thấy được bạn đã mang đến những giá trị cho chính bạn và công ty/tổ chức bạn đã làm việc (dẫn chứng cụ thể bằng việc thêm các con số, tên chương trình, sản phẩm…). 

9. Kết luận

Vậy để khắc phục những lỗi lầm siêu kinh điển trên khi viết CV, bạn hãy thực sự nghiêm túc với chính bản thân mình và trước khi nộp CV vào một công ty tuyển dụng, hãy chắc chắn rằng bạn không mắc những lỗi thông thường trên trong CV của mình nhé! 

KLE Mentoring Program xin chúc bạn thành công! 

0977 532 090