Các thông tin cần biết về 4 vòng thi tuyển dụng Big4

Trong các bài viết giới thiệu về các công ty kiểm toán thuộc khối Big4, điểm chung về thông tin tuyển dụng là mỗi năm các công ty thường tổ chức hai đợt là Fresh và Internship. Việc hiểu rõ yêu cầu ứng tuyển, quy trình các vòng thi và có sự chuẩn bị phù hợp với yêu cầu công việc là điều vô cùng cần thiết, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Vì vậy trong bài viết này, hãy cùng KLE tìm hiểu nội dung của các đợt tuyển dụng nhé.

 

1. Các đợt tuyển dụng trong năm

Fresh Graduate Program:

  • Thời gian nộp hồ sơ và thi tuyển: bắt đầu từ tháng 3 và bắt đầu đi làm chính thức vào tháng 9
  • Đối tượng dự thi: Sinh viên đã tốt nghiệp và người đã đi làm

Internship Program:

  • Thời gian nộp hồ sơ và thi tuyển: bắt đầu từ tháng 8 và bắt đầu thực tập chính thức vào tháng 12
  • Đối tượng dự thi: Sinh viên năm 3, năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp

 

2. Các vòng thi tuyển dụng

Thông thường, các vòng thi tuyển dụng có thể chia thành 4 vòng:

  • Vòng sơ tuyển (Application form)
  • Vòng test kiến thức (Aptitude test)
  • Vòng phỏng vấn nhóm (Group Interview)
  • Vòng phỏng vấn cá nhân (Final Interview)

Tuỳ theo tình hình thực tế, vòng Group Interview có thể không xuất hiện tại một số firm. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc thi trực tuyến đã trở nên phổ biến hơn trong thời gian gần đây. Ví dụ như Fresh Graduate Program 2021 của KPMG, 3/4 vòng thi được thực hiện qua hình thức trực tuyến.

 

3. Vòng sơ tuyển (Application form)

Đối với vòng sơ tuyển, các ứng viên sẽ kê khai thông tin cá nhân vào link đăng ký tại trang web tuyển dụng tại các firm. Trong đó, các bạn cần chuẩn bị CV, bảng điểm tính đến thời điểm tham gia kì tuyển dụng, Cover letter, bản scan các chứng chỉ, giấy chứng nhận (nếu có).

Hầu hết các firm sẽ yêu cầu sử dụng tiếng Anh khi điền đơn đăng ký, đây cũng là ngôn ngữ sử dụng chính trong suốt các vòng thi, cũng như trong môi trường làm việc sau này. Vì vậy, các bạn cần trang bị khả năng sử dụng ngoại ngữ một cách toàn diện ở cả 4 kỹ năng, do mỗi vòng thi sẽ yêu cầu một vài kỹ năng cần nổi trội hơn. Ngoài ra, nếu bạn biết thêm ngoại ngữ thứ hai như tiếng Trung, Hàn, Nhật… thì đây sẽ là một lợi thế, vì một bộ phận khách hàng của các công ty kiểm toán là các doanh nghiệp FDI.

 

4. Vòng test năng lực (Aptitude test)

Tại vòng này, các ứng viên sẽ cùng thực hiện bài kiểm tra kiến thức liên quan đến vị trí công việc đang ứng tuyển. Nội dung chủ yếu là kiến thức chuyên ngành liên quan đến kế toán tài chính – kiểm toán – thuế. Một số firm có thể ra những câu hỏi liên quan đến kế toán quản trị, tài chính, IQ, giải quyết tình huống, kiến thức xã hội và bài tiểu luận (essay). Riêng đề thi của PwC sẽ có cấu trúc riêng biệt, bao gồm các câu hỏi về Verbal Reasoning và Numerical Reasoning.

Đặc điểm chung của vòng Test là giới hạn thời gian làm bài không nhiều, do đó câu hỏi sẽ không mang tính chất đánh đố, tính toán nặng nề. Vì vậy ngoài việc trang bị nền tảng kiến thức vững chắc, các bạn cần rèn luyện các dạng câu hỏi bài tập liên quan. Điều này sẽ giúp cải thiện phản xạ, tư duy khi gặp các câu hỏi có nội dung tương tự trong vòng thi – Practice makes perfect.

 

5. Vòng phỏng vấn nhóm (Group Interview)

Ở vòng phỏng vấn nhóm, các ứng viên sẽ được chia thành các nhóm từ 6 đến 10 người và được phát một case study. Nhiệm vụ của nhóm sẽ là brainstorm, thảo luận, thuyết trình và trả lời câu hỏi từ phía ban giám khảo. Chủ đề thảo luận có thể liên quan đến kiến thức chuyên ngành (technical topic) hoặc xã hội (social topic).

Bên cạnh trang bị kiến thức cần thiết, các bạn sẽ cần thể hiện các kỹ năng mềm cần thiết trong khoảng thời gian tương đối hạn hẹp, trong đó có thể kể đến như: giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, thuyết phục, quản lý thời gian… và không thể thiếu khả năng nói tiếng Anh một cách trôi chảy. Đây là vòng thi được đánh giá là khó nhằn nhất với phần lớn thí sinh do trên thực tế, các bạn sẽ không có nhiều môi trường để tập luyện.

 

6. Vòng phỏng vấn cá nhân (Final Interview)

Ở vòng thi cuối cùng, các thí sinh sẽ tiến hành phỏng vấn trực tiếp với các Interviewer đến từ phòng nhân sự (HR) và/hoặc các nhân sự cấp cao đến từ phòng kiểm toán. Nội dung cuộc phỏng vấn thường bao gồm: giới thiệu bản thân, hiểu biết về nghề nghiệp và vị trí ứng tuyển, hỏi thêm những thông tin có trong CV, các câu hỏi tình huống hoặc câu hỏi về kiến thức chuyên ngành, cuối cùng là phần Q&A.

Để chuẩn bị tốt cho vòng phỏng vấn cá nhân, các bạn cần chuẩn bị ngay từ lúc bấm nộp CV ở vòng đầu tiên. 2 vòng thi cùng phản ánh về một con người, do đó thông tin cần có sự trung thực và nhất quán. Bên cạnh đó là rèn luyện phong thái tự tin, chuyên nghiệp khi trả lời phỏng vấn, cũng như chuẩn bị tâm lý thật thoải mái để có màn thể hiện tốt nhất trước nhà tuyển dụng.