Chia sẻ kinh nghiệm học Tiếng Anh chuyên ngành

Khi được hỏi các bạn sinh viên về kinh nghiệm, phương pháp học tiếng Anh chuyên ngành, có khá nhiều câu trả lời nhận được kiểu như “Học thuộc từ vựng chuyên ngành được dịch sang tiếng Anh”. Đối với mình, đó cũng là một cách, nhưng chưa thực sự tối ưu và đôi khi thu hẹp khả năng ứng dụng, vốn là điều cần thiết khi học ngôn ngữ mới.

Để học tiếng Anh giao tiếp, các bạn có thể tìm kiếm các khoá học tại trung tâm, trên Internet hay tự học vì yêu cầu học thuật không quá cao. Điều quan trọng là cần có môi trường luyện tập, được rèn luyện phản xạ, suy nghĩ, thay vì chỉ học phát âm và dậm chân tại chỗ ở những mẫu câu đơn giản. Dần dần khi thiếu sự rèn luyện, nhiều bạn sẽ rơi vào tình trạng “cứng lưỡi”, câu nói không còn được trôi chảy như trước.

Tiếng Anh chuyên ngành cũng tương tự, để có thể sử dụng thực sự thì sẽ cần đến tần suất tiếp xúc đủ nhiều trong thời gian dài và có sự luyện tập chủ động. Hãy cùng tìm hiểu một số phương pháp dưới đây để quá trình học không gặp nhiều trở ngại nhé.

1. Nên học tại thời điểm nào?

Lý tưởng nhất đó là khi học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh, thì chúng ta kết hợp học và tra cứu từ mới trong cùng thời điểm đó. Vì sao lại thế? Đó là vì các từ chuyên ngành sẽ xuất hiện rất nhiều lần trong cùng một bài học. Khi đọc tài liệu và bắt gặp chúng nhiều lần, trước hết bạn sẽ nhớ cách viết, tiếp sau đó là tra nghĩa của từ để biết nội dung chính của câu, của đoạn đó là gì.

Cách này sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc tra nghĩa đơn lẻ, dùng từ điển chuyên ngành, đọc qua vài lượt nhưng không ngấm được là bao. Các bạn có bao giờ học định nghĩa về hàng tồn kho, tài sản cố định là gì trước khi học nguyên lý kế toán không? Chắc là không rồi nhỉ.

Điều này dẫn đến câu hỏi thứ 2 là:

2. Tra từ mới như thế nào?

Hiện tại, có khá nhiều nguồn giúp chúng ta tra nghĩa từ chuyên ngành với độ chính xác cao. Một trong số đó là sử dụng từ điển chuyên ngành được biên soạn riêng. Khi kết hợp với từng nội dung bài học thì thời gian tra cứu sẽ giảm đi tương đối. Ngoài ra các bạn có thể tra từ thông qua các trang web nước ngoài. Một trong số đó mình từng sử dụng là investopedia, bên cạnh việc giải nghĩa thì có đi kèm ví dụ áp dụng và video tóm lược nội dung, vô cùng thân thiện với người dùng.

Tuy nhiên bên cạnh từ chuyên ngành kế – kiểm – tài chính thì cũng có nhiều từ khác không rõ nghĩa, vậy thì xử lý ra sao?

Đầu tiên là sử dụng từ điển Anh – Anh, thay vì từ điển Anh – Việt, hay sử dụng Google dịch. Cùng một sắc thái nghĩa nhưng tiếng Anh có nhiều cụm từ diễn tả hơn so với tiếng Việt. Điều này dẫn đến việc khi dịch văn bản, có nhiều từ không thể tìm được từ tiếng Việt tương đương để diễn tả đúng tầng nghĩa. Ngoài ra, khi tra định nghĩa của một từ, bạn sẽ học được cách diễn tả và phát triển vốn từ vựng rộng hơn nữa. Tất nhiên khi làm quen với cách tiếp cận mới thì sẽ có nhiều lúng túng, nhưng qua thời gian bạn sẽ phát triển nền tảng tiếng Anh của mình tốt hơn rất nhiều.

Hiện nay có 3 loại từ điển Anh – Anh Online được sử dụng phổ biển là Cambridge, Longman và Oxford. Mỗi loại từ điển có một thế mạnh khác, riêng về khía cạnh tra cứu từ thì mình đề xuất các bạn sử dụng từ điển Oxford.

3. Những nguồn luyện tập khác? Những lưu ý khác

Do hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán Việt Nam được dịch lại phần lớn từ nội dung chuẩn mực quốc tế. Do đó trong quá trình học, các bạn có thể tìm kiếm các văn bản tương ứng để đọc lại với nội dung tiếng Việt để dễ tiếp cận hơn, nếu việc tìm kiếm trên mạng không đem lại kết quả.

Để quá trình học không diễn ra theo một cách ép buộc, các bạn có thể thay đổi nguồn học bằng cách đọc các bài báo, bản tin liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành, hoặc tiếp cận các tài liệu sử dụng khi đi làm nếu có cơ hội. Nhìn chung, việc học ngoại ngữ hay tiếng Anh chuyên ngành nói riêng là một hành trình dài, cần sự bền bỉ và đa dạng hoá các hình thức học để khả năng áp dụng được tối ưu nhât có thể.