Peer Pressure

Có lẽ, trong các cuộc trò chuyện với bạn bè hay trên mạng xã hội, không ít lần chúng ta nghe đến hai chữ “peer pressure”. Nó là một vấn đề phổ biến ở thanh thiếu niên, xuất phát từ bạn bè, người thân và môi trường xung quanh, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về áp lực đồng trang lứa và cách để vượt qua nó một cách hiệu quả.

Peer pressure là gì?

Theo từ điển tâm lý học thuộc Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, peer pressure (tạm dịch: áp lực đồng trang lứa) xảy ra khi một cá nhân chịu ảnh hưởng từ nhóm xã hội họ thuộc về (cùng độ tuổi, cùng lớp học, cùng công ty, cùng lĩnh vực chuyên môn,…), dẫn đến thay đổi thái độ, giá trị hoặc hành vi để phù hợp với chuẩn mực của nhóm. Thanh thiếu niên là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực này nhất do sự thiếu hụt kinh nghiệm sống và những thay đổi tâm sinh lý trong giai đoạn này.

Peer pressure có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nó bắt đầu từ thuở ấu thơ khi chúng ta cắp sách đến trường cho đến khi trưởng thành và già đi. Khi còn là học sinh, áp lực xuất hiện qua những so sánh điểm số, thành tích. Khi bước vào thị trường lao động, mức lương trở thành thước đo thành công, khiến áp lực ấy càng thêm nặng nề.

Mỗi lần đối mặt với áp lực, ta lại tự đặt câu hỏi: “Tại sao mình không được như vậy?”, “Phải chăng bản thân mình quá tệ so với mọi người?”. Dần dần, những câu hỏi ấy bào mòn sự tự tin, niềm tin vào bản thân, khiến ta trở nên mệt mỏi và chán nản.

Nguyên nhân dẫn đến peer pressure

Peer pressure thường xuất hiện khi chúng ta mong muốn hòa nhập, bị giới hạn bởi chuẩn mực xã hội, hay khi đang trong giai đoạn khám phá bản thân. Nguyên nhân dẫn đến áp lực này rất đa dạng và cách mỗi người cảm nhận nó cũng khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến

1. Nhu cầu hòa nhập

Niềm khao khát được chấp nhận và hòa nhập vào nhóm bạn đồng trang lứa là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến áp lực đồng trang lứa. Lo sợ bị cô lập, xa lánh hoặc không được công nhận, nhiều bạn trẻ thường xu hướng hành động theo ý muốn của nhóm để được hòa nhập

2. Thiếu kinh nghiệm sống, tư duy chưa phát triển toàn diện

Ở giai đoạn vị thành niên, khi tư duy và nhân cách còn đang trong quá trình hình thành, chúng ta trở nên dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè và môi trường xung quanh hơn bao giờ hết.

 

Sự bồng bột và nông nổi của tuổi trẻ trong giai đoạn vị thành niên thường dẫn đến những suy nghĩ và hành vi thiếu chín chắn, thậm chí liều lĩnh, bất chấp hậu quả. Nhiều bạn trẻ ở độ tuổi này còn chưa định hình được giá trị bản thân, thiếu tầm nhìn xa, do đó dễ dàng bị tác động bởi những lời dụ dỗ hay thói hư tật xấu từ những người xung quanh

3. Sự phát triển của mạng xã hội

Mỗi ngày, chúng ta dành hàng giờ để lướt mạng xã hội, nơi ẩn chứa cả những thông tin bổ ích và những lời so sánh “độc hại” có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng.

Hãy tưởng tượng một buổi sáng đẹp trời, bạn mở ứng dụng mạng xã hội để cập nhật tin tức như thường lệ. Bỗng dưng, bạn nhìn thấy dòng chia sẻ của một người bạn cùng lớp: “Bắt đầu làm việc tại công ty X”. Lòng bạn chùng xuống vì bản thân vẫn đang loay hoay tìm kiếm vị trí thực tập cho học kỳ doanh nghiệp.

 

Có lẽ bạn không đơn độc trong cảm giác này. Mạng xã hội cho phép chúng ta theo dõi cuộc sống của bất kỳ ai, và chỉ cần nhìn thấy thành tích nhỏ của bạn bè, ta dễ dàng cảm thấy bị bỏ lại phía sau. Khi vòng tròn quan hệ trên mạng xã hội càng rộng, chúng ta càng có nhiều lý do để so sánh bản thân với người khác, dẫn đến áp lực đồng trang ngày càng gia tăng.

4. Chủ nghĩa tập thể

Văn hóa tập thể Á Đông đề cao sự kết nối và nương tựa lẫn nhau giữa các cá nhân, trong khi văn hóa cá nhân phương Tây lại chú trọng đến giá trị bản thân. Theo nghiên cứu, những người lớn lên trong môi trường tập thể có xu hướng so sánh bản thân với người khác nhiều hơn so với những người ở nền văn hóa cá nhân. Sự so sánh xã hội này được sử dụng để xác định vị trí của bản thân trong mối quan hệ, phân biệt thành viên trong và ngoài nhóm, và đánh giá địa vị cá nhân so với người khác.

Xu hướng so sánh này thể hiện rõ nét qua việc đề cao thứ bậc, thi đua điểm số, hay so sánh với “con nhà người ta” trong văn hóa tập thể. Đây cũng là lý do khiến chúng ta dễ cảm thấy áp lực khi so sánh bản thân với bạn bè, đồng nghiệp hoặc người quen trên mạng xã hội.

Làm thế nào để vượt qua peer pressure?

Con đường chiến thắng “áp lực đồng trang lứa” đòi hỏi bạn cần vượt qua rào cản do chính mình dựng lên, thay vì để bản thân chìm đắm trong những so sánh tiêu cực. Hãy xây dựng và trân trọng những nguyên tắc sống hướng đến giá trị cá nhân, biến chúng thành kim chỉ nam dẫn dắt bạn trên hành trình này.

1. Trân trọng bản thân

Không cần thiết phải gượng ép bản thân thay đổi hay bắt chước bất cứ ai nếu điều đó khiến bạn cảm thấy không thoải mái hoặc không mang lại lợi ích cho cuộc sống của bạn. Việc này không đồng nghĩa với việc bạn cứng đầu và thiếu ý chí cầu tiến. Mỗi người đều có những lý tưởng, mục tiêu và hoàn cảnh riêng, do đó, những điều hữu ích cho người khác chưa chắc đã phù hợp với bạn.

 

Hãy luôn dành thời gian để thấu hiểu bản thân, lắng nghe tiếng nói nội tâm

và xác định điều gì thực sự quan trọng đối với bạn!

2. Hiểu rõ và tôn trọng giới hạn của bản thân

Thay vì tạo áp lực buộc bản thân “phải hơn người”, hãy dành thời gian để đánh giá khả năng và điều kiện thực tế của bản thân. Một sai lầm phổ biến dẫn đến áp lực đồng trang lứa là việc áp đặt tiêu chuẩn của người khác lên cuộc sống của chính mình. Họ có thể sở hữu những lợi thế hơn bạn, hoặc đã dành nhiều thời gian chuẩn bị cho mục tiêu của họ.

Hãy tập trung xác định mục tiêu và giới hạn của bản thân, sau đó nỗ lực hết sức để đạt được những điều bạn mong muốn. Sẽ có lúc bạn cảm thấy nản lòng khi thấy người khác thành công nhanh hơn, nhưng điều quan trọng là hãy nhớ rằng thành công của mỗi người không thể đo lường bằng thước đo thời gian. Chỉ cần bạn vẫn đang nỗ lực và đi đúng hướng trên con đường của mình, thời gian hoàn thành không quan trọng.

3. Quyền lựa chọn nằm ở bạn

Đối mặt với áp lực đồng trang lứa, đôi khi giải pháp đơn giản nhất lại đến từ những lời từ chối trực tiếp và dứt khoát. Không ai có quyền ép buộc bạn thực hiện những điều trái ý muốn, hay chỉ trích những lựa chọn của bạn. Hãy luôn ghi nhớ rằng, quyền lựa chọn hành động và ưu tiên của bạn thuộc về chính bản thân. Mỗi quyết định đưa ra đều không mang tính đúng sai tuyệt đối, mà chỉ đơn giản là phù hợp hay không phù hợp với bản thân và cuộc sống của bạn mà thôi.

Vì vậy, nếu bạn cảm thấy những gì bạn bè đồng trang lứa đang theo đuổi không phù hợp với bản thân, hãy mạnh mẽ từ chối thay vì cố gắng chạy theo họ chỉ vì mong muốn đạt được thành công như họ

5. Đối mặt với peer pressure

Hãy chuyển hóa áp lực đồng trang lứa thành động lực để hoàn thiện bản thân. Thay vì cảm thấy chán nản hay ghen tị với thành công của bạn bè, hãy biến nó thành cơ hội để nhận ra những điểm cần cải thiện của bản thân. Hãy nỗ lực chinh phục những mục tiêu đó để trở thành phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, điều quan trọng là bạn phải lựa chọn những giá trị phù hợp với bản thân và hướng đến mục tiêu phát triển thực sự.

Khi đối mặt với áp lực đồng trang lứa, hãy dành thời gian tham gia các hoạt động tích cực và có lợi cho sức khỏe tinh thần để cân bằng cảm xúc và lấy lại năng lượng. Hãy luôn ghi nhớ rằng, bạn là người duy nhất có thể đưa ra quyết định cho cuộc sống của mình. Không cần phải so sánh bản thân với bất kỳ ai khác, vì mỗi người đều sở hữu những giá trị và khả năng riêng biệt. Hãy tin tưởng vào bản thân, trân trọng hành trình của chính mình và tận hưởng từng khoảnh khắc trong cuộc sống.