Quy trình Kiểm toán trên thực tế (Phần 1)

audit

Các bạn đã bao giờ thắc mắc về một cuộc kiểm toán trên thực tế sẽ diễn ra như thế nào chưa? Liệu bạn có biết rằng bản thân mình trong vài năm sắp tới sẽ làm những việc gì trong nghề kiểm toán không? Bạn đã từng nghĩ rằng nghề kiểm toán không thể work-life balance? Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn có một góc nhìn đúng đắn nhất và thực tế nhất về những công việc hằng ngày của các team kiểm toán.

audit

 

1. Chấp nhận khách hàng

Một cuộc kiểm toán thực chất bắt đầu từ việc các Partner, Director tìm kiếm khách hàng và ký hợp đồng kiểm toán. Tất nhiên trước khi quyết định chấp nhận khách hàng, sẽ có nhiều khía cạnh cần phải xem xét như rủi ro từ chính công ty khách hàng, bên cạnh đó là xem xét các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên.

Các nguy cơ này có thể phân loại thành 5 nhóm lớn: Nguy cơ do tư lợi (self-interest), nguy cơ tự kiểm tra (self-review), nguy cơ từ sự quen thuộc (familiarity), nguy cơ do sự bào chữa (advocacy), nguy cơ bị đe doạ (intimidation). Trên thực tế, các công ty kiểm toán sẽ yêu cầu nhân sự khai báo tình trạng quan hệ nhân thân, có đầu tư hay được hưởng lợi ích gì từ các công ty bên ngoài không. Hoặc trước khi cuộc kiểm toán bắt đầu, nhóm kiểm toán sẽ ký cam kết đảm bảo tính độc lập, khách quan trong suốt quá trình thực hiện cuộc kiểm toán. Cách làm này sẽ giúp công ty có thể linh hoạt trong việc sắp xếp nhân sự vào các nhóm vừa thoả mãn yếu tố “có năng lực”, vừa đảm bảo yếu tố “độc lập”.

Mỗi cuộc kiểm toán cho một khách hàng cụ thể sẽ được chịu trách nhiệm bởi một nhóm từ 5-6 người. Trong đó có 1 Engagement Partner (Thành viên ban giám đốc phụ trách cuộc kiểm toán), là người chịu trách nhiệm cao nhất. Dưới Partner có 1 Manager, là người quản lý nhiều nhóm kiểm toán khác và có trách nhiệm soát xét giấy tờ làm việc, cũng như tham gia các buổi họp quan trọng. Dưới Manager sẽ có 1 Senior (trưởng nhóm kiểm toán) là người chịu trách nhiệm chính về tiến độ công việc và trao đổi với khách hàng. Cuối cùng dưới Senior sẽ là các Assistant từ 1-2 năm kinh nghiệm và các bạn Intern, thường có khoảng 2-3 thành viên ở cấp bậc này, tuỳ thuộc vào size và rủi ro của khách hàng.

 

2. Kiểm toán sơ bộ và kiểm toán cuối năm

Sau khi công ty chấp nhận khách hàng và hai bên đã ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán, tiếp nối đó sẽ là khâu lên kế hoạch. Tuỳ vào khối lượng công việc mà cuộc kiểm toán có thể được thực hiện nhiều hơn 1 lần, trong đó các đợt kiểm toán trước thời điểm kết thúc năm tài chính gọi là đợt kiểm toán sơ bộ (Interim audit) và đợt kiểm toán cuối năm (Final audit) sẽ bắt đầu từ những ngày gần cuối năm tài chính và kéo dài đến hết mùa bận (deadline nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán).

Đối với đợt Interim, nhóm kiểm toán sẽ cần khách hàng chốt số liệu kế toán đến tháng gần nhất để có thể thực hiện, do đó các cuộc Interim audit thường diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 (đối với các doanh nghiệp có năm tài chính là 31/12). Các công việc chính trong đợt Interim bao gồm tìm hiểu tình hình chung về hoạt động kinh doanh, tìm hiểu quy trình kiểm soát nội bộ, hệ thống kế toán và các nhóm giao dịch phát sinh… phần lớn công việc sẽ phục vụ cho mục đích đánh giá rủi ro và xác định mức trọng yếu, từ đó xác định khối lượng công việc, thiết kế các thủ tục kiểm toán cần thiết cho đợt kiểm toán cuối năm.

Ngoài ra, thành phần tham gia cuộc kiểm toán giữa năm chủ yếu là từ cấp độ Assistant/ Associate trở lên, các bạn Intern sẽ tham gia vào đợt Final, do những đầu việc phức tạp và cần kinh nghiệm đã được xử lý từ trước. Trong phạm vi nội dung bài viết, chúng ta sẽ tìm hiểu chủ yếu về các cuộc kiểm toán cuối năm.

Còn tiếp…