Rối loạn lo âu là gì?
Rối loạn lo âu là một trong những dạng tâm lý phổ biến, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong đời người, đặc biệt người trẻ là đối tượng dễ bị mắc bệnh lý này nhất hiện nay. Người bệnh thường có cảm giác lo lắng quá mức đối với một tình huống hoặc sự việc, lo lắng thái quá đến những chuyện ở tương lai hoặc suy nghĩ tiêu cực về sai lầm trong quá khứ, thậm chí có thể những nỗi lo sợ này rất vô lý, không có cơ sở. Nếu tình trạng này kéo dài và lặp lại nhiều lần có thể gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.
Chứng rối loạn lo âu được phân thành nhiều loại như rối loạn lo âu phổ biến, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn hoảng sợ, ám sợ chuyên biệt, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, … với những triệu chứng cụ thể và khác nhau.
Triệu chứng rối loạn lo âu
Mặc dù chứng rối loạn lo âu có nhiều loại, nhưng có những triệu chứng chung mang tính điển hình, xảy ra trong một thời gian dài sẽ gây các phản ứng tâm lý như: cảm giác căng thẳng quá mức, đứng ngồi không yên, khó chịu, bối rối, sợ hãi vô lý, căng thẳng, hoang mang, lo lắng quá mức, tâm trí thiếu tập trung, phát biểu không mạch lạc, …
Các phản ứng tâm lý do chứng rối loạn lo âu kể trên dẫn đến những biểu hiện về thể lý như hay run rẩy, vã mồ hôi, đau bụng, rối loạn giấc ngủ, cảm giác ngạt thở, buồn nôn, tiêu chảy, các cơ bắp thường căng cứng hay co thắt, cảm thấy nghi ngờ bản thân… Nếu bạn có những dấu hiệu trên thì đừng bỏ qua cơ hội được giúp đỡ từ những nhà chuyên môn để có kết quả trị liệu tích cực.
Điều gì gây ra nỗi sợ hãi, lo lắng và dẫn đến chứng rối loạn lo âu?
Từ góc nhìn tâm lý giáo dục, nhiều người bị mắc chứng lo âu do những sự kiện, lối sống trong quá khứ. Nó có thể xuất phát từ giáo dục gia đình, môi trường sống như gia cảnh khó khăn, thiếu thốn tình thương, thiếu an toàn, bị áp lực bởi những kì vọng tiêu cực …, chính những nguyên nhân này là nguyên nhân chính làm một người thường xuyên lo lắng, bất an, tự ti, … Lâu dần những điều đó có thể ảnh hưởng đến tâm thức của người đó, làm hạn chế việc phát triển kỹ năng nhận thức bản thân và khả năng thích nghi, giải quyết và vượt qua những biến cố, khó khăn trong cuộc sống.
Nguyên nhân của hội chứng rối loạn lo âu dù chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhưng chủ yếu nó liên quan đến hai yếu tố tâm lý: giáo dục nhận thức (kỹ năng sống) và giáo dục tự thân của mỗi người. Hai yếu tố này khác nhau, là đặc trưng cá nhân do nhiều điều kiện chi phối.
Bên cạnh đó, nguyên nhân mắc rối loạn lo âu cũng có thể đến từ tác động bên ngoài, chẳng hạn việc sử dụng các chất kích thích như rượu bia, ma túy, thuốc cỏ, bóng cười…hoặc dùng thuốc có chứa corticosteroid, cocain, amphetamin, hoặc nghiện game đều dễ bị ức chế hoặc tăng giảm các kích thích tố trong não bộ. Sự rối loạn kích thích tố não bộ này làm rối loạn chất dẫn truyền thần kinh gây ra chứng rối loạn lo âu.
Nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ mắc chứng rối loạn lo âu
Theo tháp nhu cầu Maslow, thì nhu cầu sinh lý và nhu cầu an toàn là những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Vì vậy, những vấn đề phát sinh gây ảnh hưởng đến những nhu cầu này sẽ dễ làm biến đổi tâm sinh lý của một người. Bằng chứng rõ rệt nhất là sau dịch bệnh Covid-19, đã có rất nhiều người trẻ mắc chứng rối loạn lo âu, đặc biệt là sự lo lắng về sức khỏe và nỗi sợ vô hình về các mối quan hệ, thất nghiệp, thu nhập. Nguyên nhân đến từ tình trạng cách ly xã hội, sự kì thị đối với những người bị nhiễm bệnh, sự đau khổ khi mất người thân vì bệnh, hoặc những bệnh lý mãn tính không được điều trị kịp thời trong thời gian dịch bệnh diễn ra.
Xã hội ngày càng hiện đại và phát triển, đòi hỏi những thế hệ sau liên tục phải học hỏi và trau dồi không ngừng để bắt kịp thời đại và không bị tụt lại phía sau. Do đó, áp lực học hành và công việc ở người trẻ rất lớn như áp lực điểm số, nỗi sợ thất nghiệp, áp lực kì vọng của những người xung quanh, áp lực về sự thành công, tài chính. Hậu quả là, nhiều bạn trẻ bị lệ thuộc vào mạng xã hội, game với mục đích được giải tỏa, mà không biết điều đó lại càng làm trầm trọng thêm tâm lý lo âu.
Bên cạnh đó, là nguyên nhân xuất phát chủ quan từ chính các bạn trẻ, khi mong cầu được khẳng định giá trị bản thân, đạt được những thành tưu nhất định mâu thuẫn với sự thiếu kỉ luật, thiếu kĩ năng và thiếu lối sống lành mạnh, làm cho các bạn vô hình trở thành nạn nhân tâm lý do chính những áp lực mình gây ra.
Làm sao để xử lý và tránh xa chứng rối loạn lo âu?
Có nhiều phương pháp chữa trị chứng rối loạn lo âu, và việc lựa chọn phương pháp phù hợp thường phụ thuộc vào mức độ và loại rối loạn lo âu mà một người đang trải qua, Dưới đây là một số phương pháp phổ biển:
Tâm lý trị liệu: Tâm lý trị liệu là một phương pháp quan trọng trong điều trị rối loạn lo âu. Có nhiều phương pháp tâm lý trị liệu như tâm lý học cá nhân, tâm lý học nhóm, và kỹ thuật giảm căng thẳng như quản lý căng thẳng và kỹ thuật thay đổi suy nghĩ.
Dược phẩm: Trong một số trường hợp, việc sử dụng thuốc có thể được khuyến nghị để giảm các triệu chứng rối loạn lo âu. Thuốc chủ yếu được sử dụng bao gồm thuốc an thần, thuốc chống lo âu và thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chỉ nên được thực hiện dưới sự giám sát của một bác sĩ chuyên khoa.
Kỹ thuật quản lý căng thẳng: Các kỹ thuật như yoga, thiền định, thể dục và hít thở sâu có thể giúp giảm căng thẳng và lo lắng.
Thay đổi lối sống: Đối với một số người, thay đổi lối sống có thể ảnh hưởng tích cực đến tình trạng rối loạn lo âu. Điều này bao gồm việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, đảm bảo giấc ngủ đủ và thiết lập thời gian cho các hoạt động giải trí và thư giãn.