Với sinh viên có định hướng theo kiểm toán, đỗ tuyển dụng vào các tập đoàn lớn là mong ước của không ít bạn, mỗi năm có hàng ngàn hồ sơ nhưng chỉ lấy vài chục người. Tuy nhiên khi có đươc offer, nhiều bạn sinh tính chủ quan và cho mình tâm lý xả hơi trước khi đi thực tập. Điều này thực sự đáng báo động vì khi tiếp xúc môi trường làm việc chuyên nghiệp, có rất nhiều thứ chúng ta phải chuẩn bị. Trước khi đặt câu hỏi làm thế nào để trở thành thực tập sinh xuất sắc, hãy đặt vấn đề làm sao để không có nguy cơ bị loại sau kỳ thực tập.
1. Thụ động trong công việc
Hoặc có thể diễn tả cụ thể hơn là thiếu chủ động trong trao đổi tiến độ công việc. Với tính chất công việc của kiểm toán là khối lượng công việc nhiều trong khoảng thời gian ngắn, nhân viên sẽ vừa kết hợp training trước mùa và training on job. Điều này dẫn đến sự giám sát và phản hồi công việc cần được cập nhật thường xuyên.
Nhiều bạn khi làm xong phần việc của mình hoặc gặp vấn đề không thể giải quyết thì không chủ động trao đổi với cấp trên. Trong khi lịch đi công tác và hoàn thiện file của các team khá dày đặc, kế hoạch công việc đã được thiết kế để mỗi thành viên trong nhóm đều có việc để làm tại mỗi thời điểm. Việc thiếu giao tiếp trong công việc chung sẽ khiến tiến độ công việc không được kiểm soát, dẫn đến rủi ro trễ hạn ra báo cáo.
Khi đã hoàn thành phần việc của mình, hãy chủ động hỏi anh chị xem có cần giúp đỡ gì không. Một sự quan tâm nhỏ giữa mùa bận cũng sẽ khiến các anh chị cảm thấy được quan tâm, giúp gắn kết tình đồng nghiệp và bản thân các bạn cũng được đánh giá tốt. Bên cạnh đó khi được tiếp xúc với những phần việc khó hơn, bản thân các bạn cũng đang tự chuẩn bị cho công việc ở cấp bậc kế tiếp, chuẩn bị sớm và chủ động chưa bao giờ là thừa cả.
2. Không biết nhưng không chịu hỏi
Một dạng khác của trường hợp đã xong việc mà không báo cáo, đó là chưa làm xong việc, có khúc mắc nhưng không chịu hỏi. Các bạn thường có tâm lý ngại hỏi, thông thường vì sợ làm phiền các anh chị, hoặc sợ bị anh chị đánh giá thấp về khả năng chuyên môn. Do đó các bạn thường tự nghĩ và không ít lần rơi vào bế tắc, hoặc tự làm theo ý mình để rồi nhận lại một đống comments sửa file và lời phàn nàn từ phía anh chị sao không nói sớm hơn.
Môi trường kiểm toán tuy áp lực công việc lớn nhưng có nhiều cơ hội để học hỏi, và mọi người thường giúp đỡ nhau trong công việc để cùng hướng đến mục tiêu chung. Đồng nghiệp rất sẵn lòng giải thích cho bạn, nếu bạn hỏi đúng cách và đúng thời điểm. Cụ thể hơn, đó là chủ động nghiên cứu để tìm câu trả lời trước, sau đó hỏi bằng cách confirm lại như: Em hiểu như vậy đã đúng chưa, Anh/chị có góp ý gì cho em không…
Cách hỏi trên sẽ giúp bạn hai điều: Thứ nhất là người được hỏi cảm thấy mình đã có sự chủ động nhất định trong việc tìm kiếm thông tin chứ không mang một cái đầu rỗng, thứ hai là tránh tình trạng bị “ngợp” với thông tin được phản hồi. Nghĩa là tránh việc nhận được câu trả lời nhưng không có gì đọng lại trong đầu, rồi lại tiếp tục hỏi khiến thời lượng bị kéo dài quá mức, trong khi ai cũng có việc để làm.
3. Tác phong thiếu chuyên nghiệp
Thời gian đi thực tập cũng là lúc các bạn làm quen với môi trường làm việc, có nhiều thứ phải chuẩn bị trước mùa thực tập, bên cạnh kiến thức chuyên môn. Đó là kỹ năng giao tiếp, cư xử đúng mực với khách hàng và đồng nghiệp, sử dụng email trong công việc, chuẩn bị trang phục công sở. Hay đơn giản nhất là đi làm đúng giờ, quản lý và sắp xếp công việc để không bị trễ deadline…
Có thể những điều này các bạn sẽ được training trước mùa, nhưng kỹ năng cần thời gian và trải nghiệm thực tế để có thể hoàn thiện. Kiểm toán cũng là một ngành nghề dịch vụ, nên kỹ năng mềm đóng vai trò vô cùng quan trọng. Một bạn chuyên môn có thể rất vững nhưng yếu về kỹ năng mềm khi giao tiếp, giải quyết vấn đề với công việc, khách hàng thì cũng không được đánh giá cao.