Trong mỗi báo cáo tài chính đã được kiểm toán, phần vô cùng được quan tâm chính là ý kiến kiểm toán – kết luận độc lập mà kiểm toán viên đưa ra sau quá trình đánh giá toàn diện các số liệu và thông tin liên quan. Đây là yếu tố then chốt thể hiện mức độ tin cậy của báo cáo tài chính, ảnh hưởng lớn đến quyết định của nhà đầu tư, cổ đông và các bên liên quan. Vậy ý kiến kiểm toán là gì, có những loại nào và cách xác định ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý kiến kiếm toán.
Ý kiến kiểm toán là gì?
Khái niệm ý kiến kiểm toán
Theo Chuẩn mực Kiểm toán số 700 về “Báo cáo kiểm toán đối với báo cáo tài chính”, ban hành bởi Bộ Tài chính, báo cáo kiểm toán là loại báo cáo được thể hiện dưới dạng văn bản, được lập nên bởi doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên nhằm đưa ra ý kiến chính thức của mình liên quan đến BCTC của đơn vị được kiểm toán.

Trong đó, ý kiến kiểm toán là kết luận chuyên môn mà kiểm toán viên đưa ra sau quá trình kiểm tra, đánh giá toàn diện báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Đây được xem là sản phẩm cuối cùng của hoạt động kiểm toán, thể hiện nhận định độc lập và khách quan của kiểm toán viên về tính trung thực và hợp lý của BCTC, xét trên các khía cạnh trọng yếu. Ý kiến này sẽ được trình bày rõ ràng trong báo cáo kiểm toán.
Các yếu tố cơ sở hình thành ý kiến kiểm toán
Để đưa ra một ý kiến kiểm toán chính xác, kiểm toán viên cần dựa vào quá trình thu thập và phân tích nhiều loại bằng chứng kiểm toán khác nhau. Điều này bao gồm:
- Thư giải trình từ ban lãnh đạo doanh nghiệp được kiểm toán
- Đánh giá khả năng hoạt động liên tục của đơn vị
- Xem xét các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc niên độ tài chính
- Phân tích các khoản nợ tiềm ẩn hoặc không nằm trong dự kiến
Tất cả những yếu tố này sẽ được tổng hợp, rà soát và cân nhắc một cách toàn diện để kiểm toán viên có thể đưa ra ý kiến cuối cùng. Kiểm toán viên cũng có trách nhiệm xem xét và điều chỉnh nếu phát hiện vấn đề phát sinh sau khi hoàn tất báo cáo.
Ý kiến kiểm toán bao gồm những nội dung nào?
Trong báo cáo kiểm toán, ý kiến của kiểm toán viên cần thể hiện rõ:
- Mức độ phù hợp của BCTC so với các chuẩn mực kế toán và quy định pháp luật hiện hành
- Đánh giá về tính trung thực, hợp lý của các thông tin tài chính, đặc biệt là những khía cạnh trọng yếu
- Nhận định về việc các bằng chứng kiểm toán đã được thu thập đầy đủ, phù hợp hay chưa
- Các sai sót trọng yếu (nếu có) và mức độ ảnh hưởng của chúng đến tính chính xác của BCTC
Cần lưu ý rằng, ý kiến kiểm toán không phải là sự đảm bảo tuyệt đối rằng báo cáo tài chính hoàn toàn không có sai sót. Thay vào đó, kiểm toán viên chỉ tập trung vào các yếu tố trọng yếu, tức những yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo.
Tùy theo mức độ ảnh hưởng của các sai sót và bằng chứng thu thập được, kiểm toán viên sẽ đưa ra một trong các loại ý kiến sau: ý kiến chấp nhận toàn phần hoặc một trong các ý kiến không chấp nhận toàn phần gồm: ý kiến ngoại trừ, ý kiến từ chối đưa ra và ý kiến trái ngược.
Cơ sở pháp lý quy định về các loại ý kiến kiểm toán
Ngày 06/12/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 214/2012/TT-BTC, quy định hệ thống 37 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VSA). Hệ thống này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, trong đó có nhiều điểm cập nhật và đổi mới, đặc biệt là các chuẩn mực liên quan đến báo cáo kiểm toán và ý kiến kiểm toán.
Cụ thể, trong số 37 chuẩn mực, có 3 chuẩn mực kiểm toán trực tiếp liên quan đến ý kiến kiểm toán, bao gồm:
- VSA 700: Hình thành ý kiến kiểm toán và báo cáo kiểm toán về BCTC.
- VSA 705: Ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần
- VSA 706: Đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” và “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính.
Phân biệt các loại ý kiến kiểm toán
Ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần
Đây là loại ý kiến được đưa ra khi kiểm toán viên đã thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp và kết luận rằng báo cáo tài chính phản ánh trung thực, hợp lý trên tất cả các khía cạnh trọng yếu theo chuẩn mực và quy định hiện hành.
Ví dụ: Theo ý kiến của chúng tôi, báo cáo tài chính đã phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính của Công ty TNHH XYZ tại ngày 31/12/2024, cũng như kết quả hoạt động kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ cho năm tài chính kết thúc cùng ngày, phù hợp với Chuẩn mực kế toán Việt Nam, Chế độ kế toán doanh nghiệp và các quy định pháp lý có liên quan.
Ý kiến kiểm toán ngoại trừ/ Ý kiến kiểm toán chấp nhận từng phần
Kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ khi báo cáo tài chính về cơ bản là trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu về tình hình tài chính của đơn vị, ngoại trừ một (hoặc một số) vấn đề cụ thể được nêu rõ trong báo cáo kiểm toán.
Ý kiến ngoại trừ có thể phát sinh trong hai trường hợp:
- Trường hợp 1: Kiểm toán viên đã thu thập được đầy đủ bằng chứng và xác định rằng các sai sót tồn tại là trọng yếu nhưng không lan tỏa.
- Trường hợp 2: Kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ bằng chứng, nhưng những sai sót tiềm ẩn (nếu có) có thể là trọng yếu, tuy vẫn không lan tỏa đến toàn bộ báo cáo tài chính.
Ví dụ: Theo ý kiến của chúng tôi, ngoại trừ ảnh hưởng của vấn đề được nêu ở phần “Cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ”, báo cáo tài chính đã thể hiện sự trung thực và phù hợp trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính của Công ty CP Dịch vụ BDC tại ngày 31/12/2024, cùng với báo cáo lưu chuyển tiền tệ và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cho năm tài chính kết thúc cùng ngày, được lập phù hợp với các chuẩn mực kế toán và quy định pháp lý hiện hành.
Ý kiến kiểm toán Từ chối đưa ý kiến
Ý kiến từ chối được đưa ra khi kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, và đồng thời kết luận rằng các sai sót tiềm tàng có thể là trọng yếu và lan tỏa đến toàn bộ báo cáo tài chính. Khi đó, kiểm toán viên không đủ cơ sở để đưa ra bất kỳ ý kiến nào về báo cáo tài chính.
Ví dụ: Do tầm quan trọng của vấn đề được trình bày tại đoạn “Cơ sở của việc từ chối đưa ra ý kiến”, chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở cho việc đưa ra ý kiến kiểm toán. Do đó, chúng tôi từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính của Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư DEF cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12/2024.
Ý kiến kiểm toán trái ngược
Ý kiến trái ngược được đưa ra khi kiểm toán viên đã thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán và kết luận rằng các sai sót trong báo cáo tài chính là trọng yếu và lan tỏa, ảnh hưởng đến độ trung thực và hợp lý theo các quy định kế toán hiện hành.
Ví dụ: Theo ý kiến của chúng tôi, do ảnh hưởng trọng yếu và lan tỏa của vấn đề được nêu tại đoạn ‘Cơ sở của ý kiến kiểm toán trái ngược’, báo cáo tài chính của Tổng Công ty GHI tại ngày 31/12/2024 đã không phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ cho năm tài chính kết thúc cùng ngày, không phù hợp với các chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành.
Trách nhiệm của kiểm toán viên
- Đưa ra ý kiến kiểm toán: Kiểm toán viên có trách nhiệm đưa ra ý kiến độc lập về báo cáo tài chính dựa trên kết quả kiểm toán.
- Tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp: Công việc kiểm toán phải tuân theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và các quy định đạo đức nghề nghiệp.
- Thu thập bằng chứng kiểm toán: Kiểm toán viên lập kế hoạch và thực hiện các thủ tục kiểm toán nhằm thu thập bằng chứng để đánh giá độ tin cậy của báo cáo tài chính
- Đánh giá rủi ro sai sót trọng yếu: Kiểm toán viên sử dụng xét đoán chuyên môn để đánh giá các rủi ro sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn.
- Xem xét hệ thống kiểm soát nội bộ: Kiểm toán viên xem xét hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp để thiết kế thủ tục kiểm toán phù hợp, nhưng không nhằm mục đích đánh giá hiệu quả của hệ thống này.
- Đánh giá chính sách và trình bày báo cáo: Kiểm toán viên còn xem xét tính hợp lý của các chính sách kế toán, ước tính kế toán và cách trình bày tổng thể báo cáo tài chính.
Kết luận
Ý kiến kiểm toán không chỉ là phần kết luận cuối cùng trong báo cáo kiểm toán mà còn là yếu tố then chốt thể hiện mức độ tin cậy của báo cáo tài chính. Việc hiểu rõ các loại ý kiến kiểm toán và cơ sở hình thành nên chúng giúp doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch tài chính, đồng thời giúp các nhà đầu tư, đối tác có cái nhìn chính xác hơn về tình hình hoạt động của đơn vị.

Đơn vị đào tạo ACCA, Thi tuyển dụng Kiểm toán, tư vấn tài chính Big4, Nonbig và Tiếng Anh giao tiếp, Ielts.
Với đội ngũ giảng viên là 100% ACCA Members cùng kinh nghiệm thực chiến trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán và tài chính, KLE không chỉ mang đến kiến thức nền tảng vững chắc mà còn giúp học viên phát triển kỹ năng ứng dụng thực tế. Không chỉ là chương trình đào tạo truyền thống, KLE tạo ra một môi trường học tập thực tiễn, nơi mối quan hệ giữa người học và giảng viên không dừng lại ở giảng dạy kiến thức mà còn phát triển sâu hơn thành mối quan hệ Mentee – Mentor.