Làm thế nào để hiểu rõ hơn về ngành nghề Kế toán – Kiểm toán

Khi tham gia phỏng vấn, có thể nhiều bạn sẽ được hỏi “Tại sao em lại lựa chọn nghề …? Em biết gì về nghề …?” (dấu ba chấm có thể được thay bằng ngành nghề/ vị trí công việc cụ thể). Mỗi nghề sẽ có đặc thù về thời gian và năng lực làm việc khác nhau. Càng nắm rõ thông tin này từ sớm, bạn sẽ càng chủ động trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp. Vậy đối với nghề kế kiểm nói riêng, hoặc các ngành nghề khác nói chung, chúng ta có thể tìm hiểu qua các kênh nào? Hãy cùng khám phá trong bài viết này nhé.

1. Học hỏi từ những người đi trước

Những anh chị đã và đang đi làm trong nghề sẽ có những trải nghiệm và hiểu rõ thực tế công việc nhất. Đôi khi thông tin anh chị chia sẻ không chỉ liên quan đến công việc, mà còn là cuộc sống thường ngày của một người đi làm hay những bài học kinh nghiệm nữa. Nếu bạn có người quen là các anh chị đi trước trong nghề thì quả thực là một điều may mắn. Nếu không, bạn có thể tìm kiếm những bài chia sẻ trên mạng xã hội, join vào những group chuyên về kế kiểm để cập nhật thông tin. Tuy nhiên, các bạn cũng cập nhật, tiếp thu thông tin một cách có chọn lọc nhé.

Chuyên mục Chuyện nghề có khá nhiều bài chia sẻ về quá trình thực tập tại một số công ty kiểm toán, các công việc của một thực tập sinh kiểm toán sẽ làm. Hãy đọc thêm để có cho mình những thông tin cần thiết nhé.

 

2. Tham gia các buổi hội thảo, career fair về nghề kế kiểm

Tham gia các hội thảo, career fair cũng là một cách để các bạn tiếp xúc, lắng nghe chia sẻ từ các anh chị đã ở trong nghề một khoảng thời gian dài và giữ các vị trí cao. Vào mùa tuyển dụng, các công ty thường tổ chức career fair tại các trường đại học. Đây là cơ hội tốt để các bạn có thêm thông tin về nghề và hiểu thêm về các công ty kiểm toán. Biết đâu bạn sẽ tìm được công ty mà bạn muốn gắn bó?

Hồi còn là sinh viên năm hai, mình cũng là một đứa khá mông lung về nghề kế kiếm và không có một định hướng rõ ràng. Và khi mình được bạn rủ tham gia vào buổi hội thảo về nghề kiểm toán được chia sẻ bởi một anh đã có kinh nghiệm 10 năm trong nghề, đó chắc cũng là buổi hội thảo đầu tiên mình tham gia, mình mới hiểu được biết kiểm toán là làm công việc gì, career path của kiểm toán như thế nào… Những thông tin này đã hỗ trợ cho quyết định khởi đầu sự nghiệp của mình.

 

3. Tham gia các hoạt động đoàn đội, CLB chuyên ngành ở trường

Tham gia các hoạt động CLB chuyên ngành ở trường cũng là một cách bạn có thể tạo được network và tiếp cận các thông tin của nghề. Các CLB đoàn đội chuyên ngành kế kiểm cũng là ban tổ chức của nhiều cuộc thi kế kiểm và mô phỏng quá trình tuyển dụng. Bên cạnh đó, khi tham gia các hoạt động tổ chức, training nội bộ,… các bạn cũng có cơ hội rèn luyện kỹ năng mềm ở các ban khác nhau,

 

4. Tham gia các cuộc thi chuyên ngành

Các cuộc thi kế kiểm hầu hết sẽ mô phỏng quy trình tuyển dụng của các công ty kế toán, kiểm toán. Ngoài việc là ban tổ chức bạn vẫn có thể tham dự như một thí sinh để thử thách bản thân và cũng là một lần trải nghiệm. Hằng năm, các cuộc thi dành cho sinh viên Kế toán – Kiểm toán đều được tổ chức tại các trường đại học, đồng thời cũng là chương trình lớn của các CLB. Các cuộc thi học thuật không chỉ kiểm tra bạn về mặt kiến thức mà còn yêu cầu cả kỹ năng mềm: làm việc nhóm, thuyết trình, debate,…

Qua các cuộc thi, bạn sẽ hiểu được mình đang ở đâu, mình thiếu những gì, cần học tập trau dồi thêm những kỹ năng nào? Bạn còn có thể học hỏi ngay từ chính các bạn sinh viên tham gia cùng. Ngoài ra, các cuộc thi cũng thường có các buổi training cho các bạn thí sinh từ các anh chị trong nghề và ở level cao, đó cũng là cơ hội để các bạn tiếp xúc với những người đi trước.

Một số cuộc thi học thuật cho sinh viên kế kiểm trên địa bàn Hà Nội có thể kể đến như: Accounting & Auditing Challenge, The Audit Race, Talented Auditor Cup, A&A Arena…

 

5. Đi thực tập, đi làm các công việc liên quan đến kế toán kiểm toán

Các bạn sinh viên phải học tập tại trường nên chưa thể đi làm fulltime. Tuy nhiên các bạn có thể tranh thủ thời gian hè để có thể xin thực tập tại một số công ty kế toán kiểm toán để có thể tích luỹ trải nghiệm thực tế. Ngoài ra, một số công ty kế toán kiểm toán vẫn có thể đăng ký làm part-time nên bạn có thể vừa đi học vừa đi làm. Như vậy bạn đã có thể tự tích lũy cho những kiến thức thực tế về nghề ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Dù tham gia theo cách nào, hãy nhớ giữ tâm thế chủ động tìm hiểu để có sự chuẩn bị cho tương lai nhé!