Tiếp nối chuyên mục chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị tư duy – hiểu đúng về CV và phỏng vấn cá nhân khi thi tuyển dụng, bài viết này sẽ tiết lộ những điều mà Interviewer thực sự mong đợi ở vòng phỏng vấn cá nhân nhé.
1. Sự khác biệt
Mỗi mùa tuyển dụng đến gần, các công ty kiểm toán nhận về hàng ngàn hồ sơ. Trải qua 3 vòng thi đầu, nhà tuyển dụng đã lựa chọn được những ứng viên vừa có kiến thức nền tảng tốt, vừa có kỹ năng mềm phù hợp để làm việc trong môi trường kiểm toán. Vòng phỏng vấn cá nhân được gọi là vòng “matching” và nhà tuyển dụng thường đánh giá từ thái độ chuẩn bị của bạn, kế hoạch nghề nghiệp xem có phù hợp với mong đợi của công ty hay không.
Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng có thể đưa ra những câu hỏi để đánh giá tư duy, kiến thức chuyên ngành và đặc biệt là phẩm chất, thái độ của chính bản thân ứng viên qua các hoạt động trong môi trường học tập, môi trường làm việc trong quá khứ. (Không gì đánh giá tốt hơn khi nhìn vào suy nghĩ và hành động của một con người!)
2. Trải nghiệm trong quá khứ
Nhiều bạn sẽ suy nghĩ rằng: “Nhưng mình chưa đi làm thực tế thì khác biệt ở đâu ra, khi ai ai cũng đi học đại học, GPA cao, có đi làm thêm, có chứng chỉ bằng cấp…?” Thực ra, chính những trải nghiệm trong quá khứ sẽ đem lại cho bạn sự khác biệt: những bài học kinh nghiệm, những kỹ năng có được khi xử lý vấn đề, những thành tựu đạt được sau một quá trình bỏ thời gian và công sức…
Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng quan tâm đến lý do vì sao bạn lại chọn làm việc này và chúng giúp gì cho vị trí công việc đang ứng tuyển, qua đó nhìn nhận được tư duy, định hướng, kế hoạch và sự chuẩn bị có phù hợp với nghề không. Những khía cạnh này có thể được khai thác qua các câu hỏi về điểm mạnh, điểm yếu, tình huống cụ thể. Đằng sau mỗi câu trả lời, bạn có thể lồng ghép những câu chuyện trải nghiệm thực tế trong quá khứ để thêm phần thuyết phục.
Vì vậy, để viết CV thì không khó, nhưng viết như thế nào để thể hiện những giá trị thực có của bản thân thì không phải điều đơn giản.
3. Thông tin đúng về nghề
Một cách khác để tạo ra sự khác biệt là bạn có bao nhiêu thông tin đúng về ngành nghề. Về khoản này, hiện tại có rất nhiều buổi toạ đàm, hội thảo chia sẻ thông tin về cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường, mà các diễn giả, khách mời là các anh chị đã và đang công tác trong nghề. Có những thông tin như vậy, bản thân mỗi bạn cũng có thể đánh giá sơ bộ được mình có thiên hướng theo nghề không, và nếu khả năng đáp ứng còn thiếu thì sẽ cần rèn luyện điều gì trong suốt quãng thời gian học đại học.
Tuy nhiên, mỗi góc nhìn của mỗi anh chị trong nghề sẽ có sự khác nhau, điều này có thể xuất phát từ cấp bậc hiện tại trong nghề, hoặc xuất phát từ môi trường làm việc. Ví dụ như bạn được nghe một anh chị ở cấp bậc Senior trở xuống, bạn sẽ thấy góc nhìn của nghề kiểm toán là tương đối bận rộn, phải xử lý nhiều đầu việc, deadline dí liên tục, phải thức khuya dậy sớm thường xuyên trong mùa bận. Tuy nhiên nếu bạn được nghe những lời chia sẻ của một người ở cấp độ Manager trở lên, góc nhìn về nghề sẽ hoàn toàn khác: chủ yếu là ngồi soát xét giấy tờ làm việc của các nhóm, trao đổi và tham gia cuộc họp với khách hàng, làm trưởng nhóm các cuộc kiểm toán cho khách hàng lớn.
Rõ ràng là hai góc nhìn về áp lực công việc hoàn toàn khác nhau, nên nếu bảo làm nghề kiểm toán là làm hết sức cả đời thì không đúng, thông thường chỉ từ 4-5 năm đầu mà thôi, sau khi trải qua toàn bộ phần hành. Không có áp lực thì không có kim cương, liêu rằng sự đánh đổi trong 4-5 năm đi làm đầu đời này có đáng với các bạn?