Hiểu đúng về CV và phỏng vấn cá nhân khi thi tuyển dụng

CV - Final Interview

Dẫu biết kỳ thi tuyển dụng có 4 vòng nhưng có bộ phận không nhỏ các bạn sinh viên sẽ dành nhiều thời gian để học kiến thức chuyên ngành, và chỉ dành một chút xíu thời gian cho việc chuẩn bị CV và luyện tập phỏng vấn, có những bạn chỉ kịp chuẩn bị khi mùa tuyển dụng đến gần. Do đó tỷ lệ pass hai vòng phỏng vấn cuối cùng thực sự không nhiều. Trong bài viết này, hãy cùng nhau khám phá nhũng điều bạn còn chưa biết về vòng Final Interview nhé.

Mô phỏng Final Interview
(Nguồn ảnh: Bristol)

 

1. Nhận thức đúng về vòng phỏng vấn cá nhân

Trước tiên phải khẳng định rằng Final interview là vòng thi thiên biến vạn hoá, có khá nhiều nhân tố ảnh hưởng đến tiêu chí đánh giá ứng viên, một trong số đó đến từ chính Interviewer và thời điểm phỏng vấn. Mỗi Interviewer sẽ có một góc nhìn khác nhau về con người, do đó sẽ không có công thức khuôn mẫu cho các câu trả lời cho mọi Interviewer.

Thực tế, có những bạn đi phỏng vấn chỉ mất 15 phút là xong, rời khỏi phòng với tâm trạng vô cùng thoải mái. Nhưng lại có những bạn phỏng vấn mất gần 30 phút và rời khỏi phòng thi với tâm lý căng thẳng do bị hỏi dồn liên tục. Có những Interviewer phỏng vấn không nhìn CV của ứng viên, có những anh chị chuyên hỏi về kiến thức chuyên ngành, có anh chị lại chỉ hỏi về kiến thức xã hội và quan tâm nhiều hơn đến đời sống thường ngày của các bạn úng viên… Những câu chuyện như vậy không hiếm gặp mỗi khi đến mùa tuyển dụng. Các bạn cứ theo dõi trên các group thi Big4, chịu khó hỏi hoặc lặn lội đọc từng comment sẽ thấy khá rõ.

Final Interview
(Nguồn ảnh: Bristol)

 

2. Nhận thức đúng về CV

Ngoài ra, nhiều bạn sẽ tương đối chủ quan khi chuẩn bị CV cho vòng đơn (Application form). Nên nhớ rằng CV và Final Interview, thực chất là phản ánh cùng một con người nhưng ở hai hình thức khác nhau, một bên là dạng viết khi chuẩn bị CV, một bên là dạng nói khi phỏng vấn. Do vậy thông tin đưa vào CV và thông tin khi phỏng vấn cần có sự nhất quán. Việc đánh bóng câu chữ, đưa những thông tin không đúng sự thật vào trong CV có thể giúp bạn qua vòng đầu tiên. Nhưng rồi để làm gì tiếp, nếu mục tiêu là pass vòng cuối và bạn đưa ra những thông tin không đúng sự thật?

Nếu bạn hỏi rằng nhà tuyển dụng quan tâm gì khi nhìn vào CV của một ứng viên, thì mình tin rằng đó là tất cả thông tin đã được trình bày. Chỉ qua vài dòng thường thấy trên CV là đã có một chút thông tin và cảm quan ban đầu về các ứng viên rồi. GPA cao không đồng nghĩa với một bạn sinh viên có kiến thức thực sự vững chắc, có nhiều bạn chỉ học vào vài ngày cuối trước khi thi và bẵng đi một thời gian là quên sạch. Nhưng chúng phản ánh một phần tinh thần trách nhiệm của các bạn sinh viên đối với chuyện học hành – một nhiệm vụ lớn khi học đại học.

Những trải nghiệm quá khứ đến từ việc tham gia câu lạc bộ, hội nhóm hay đi làm thêm, chưa chắc đã nói lên rằng bạn thực sự giỏi trong lĩnh vực gì, nhưng cũng thể hiện phần nào tính chủ động của sinh viên trong nỗ lực rèn luyện và hoàn thiện bản thân – can-do attitude. Phần mục tiêu (Objective) thể hiện định hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai, nhưng thực sự bạn có nhận thức và hiểu được kế hoạch này, và đây có phải là lộ trình mà bạn thực sự muốn?

Do vậy, một điều quan trọng khi viết CV là nên phản ánh những thông tin thực có. Trả lời được lý do vì sao lại đưa những dòng thông tin đó vào, là bạn có thêm tự tin khi phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng rồi.

Còn tiếp…