Lựa chọn đầu đời: Kế toán hay Kiểm toán?

Kết thúc quá trình học tập trên dưới 3 năm tại giảng đường sẽ là lúc các bạn sinh viên đi thực tập để phục vụ cho làm luận văn. Với những bạn học đúng chuyên ngành, kế toán và kiểm toán luôn là một cặp song hành trong quá trình học, dãn đến khi đứng trước lựa chọn nơi đặt nền móng đầu tiên cho sự nghiệp, nhiều bạn sẽ còn do dự trước hai lối đi này. Bài viết này sẽ mang tính chất chia sẻ những hiểu biết về nghề, bao gồm cả ưu điểm và nhược điểm

1. Nghề kế toán

Ưu điểm:

  1. Dễ tiếp cận và số lượng nhiều, do công ty nào cũng đều có phòng kế toán. Vị trí công việc vô cùng đa dạng, phù hợp với yêu cầu về kiến thức, kỹ năng khác nhau từ thực tập sinh, kế toán phần hành cho đến kế toán trưởng.
  2. Hoạt động tại chính doanh nghiệp nên không phải đi công tác nhiều. Có thể bận vào những ngày khoá sổ cuối năm nhưng khối lượng công việc những ngày thường không quá nặng. Từ đó có thể cân bằng thời gian cho bản thân, gia đình và bạn bè, hoặc dành thời gian theo học các lớp đào tạo ngắn hạn, chứng chỉ chuyên môn để nâng cao nghiệp vụ.
  3. Có thể nhận thêm các phần việc ngắn hạn (kế toán dịch vụ) bên ngoài để tăng thêm thu nhập, khi đã làm quen với công việc trong một khoảng thời gian.
  4. Thu nhập tốt nếu đem lại nhiều giá trị cho công ty: bảo vệ được chi phí thuế cho doanh nghiệp khi đến mùa quyết toán, cung cấp thông tin hữu ích cho việc ra quyết định (khi đã hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề lâu và nắm được những thông số quan trọng).

Nhược điểm:

  1. Tính chất công việc sẽ lặp đi lặp lại nếu chỉ làm ở một phần hành kế toán.
  2. Quá trình thăng tiến chậm hơn, quy mô doanh số công ty có thể ảnh hưởng tới bề dày kinh nghiệm tích luỹ được.
  3. Sự thiếu chia sẻ và phối hợp giữa phòng kế toán với cấp trên và phòng ban khác có thể gây bất đồng và cản trở trong công việc. Ví dụ như muốn tính toán và kiểm soát giá thành thì cần trò chuyện, quan sát quá trình sản xuất để nắm được cách tính, thay vì tự gói gọn mình trong 4 bức tường toàn là sổ sách chứng từ.

2. Nghề kiểm toán

Ưu điểm:

  1. Được tiếp cận với nhiều loại hình doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau, quy mô đa dạng hơn nên cơ hội học hỏi rất nhiều, không chỉ là hệ thống kế toán, cách thức xây dựng và vận hành doanh nghiệp, các kiểm soát mà còn là kiến thức kinh doanh khi được phỏng vấn, trò chuyện với nhân sự cấp cao.
  2. Sau 4 mùa bận, các bạn sẽ được trải nghiệm hầu hết các phần hành kiểm toán nên sẽ có góc nhìn tổng quan về doanh nghiệp cũng như số liệu báo cáo, hỗ trợ rất nhiều nếu sau này chuyển hướng sang kế toán hoặc tài chính.
  3. Thường xuyên được đào tạo trước mùa và trong mùa bận, cũng như được cập nhật nội dung thông tư, chuẩn mực mới nhất để áp dụng ngay trong công việc. Tuy nhiên thời gian đào tạo không nhiều nên phải tự học, tự nghiên cứu thêm. Từ đó khả năng thích ứng với công việc sẽ diễn ra nhanh chóng, nếu chuyển hướng sang một nghề khác sau kiểm toán.
  4. Lộ trình thăng tiến rõ ràng và được đánh giá hàng năm dựa trên năng lực. Do đặc thù công việc nên phúc lợi cho nhân viên cũng nhiều.
  5. Là một trong số ít những ngành nghề được đi đây đi đó, mỗi chuyến đi tại một khách hàng lại là một trải nghiệm độc đáo về con người, văn hoá và ẩm thực (tất nhiên là phải xong việc thì mới có thời gian trải nghiệm).

Nhược điểm:

  1. Deadline siêu dày đặc, thức khuya dậy sớm là chuyện không hiếm gặp khi vào mùa bận. Công việc của kiểm toán thực sự rất nặng trong những năm đầu nên rất cần sự thấu hiểu và ủng hộ từ phía gia đình, bạn bè và người thân.
  2. Được đi đây đi đó nên cũng phải di chuyển nhiều bằng tàu xe cũng như không tránh khỏi rượu bia. Kết hợp với điều trên thì nghề kiểm toán rất cần yếu tố sức khoẻ.
  3. Áp lực từ công việc, từ khách hàng… nên turnover rate tương đối cao trong nghề nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng. Việc rời kiểm toán khi còn sớm sẽ không mang lại nhiều giá trị cho bản thân vì chưa tích luỹ, học hỏi được nhiều.

3. Tổng kết

Kế toán và kiểm toán là hai nghề có nhiều mặt đối lập nhau, ưu điểm của nghề này lại là nhược điểm của nghề kia và ngược lại. Nếu nhìn một cách tổng thể, nghề nào cũng có những điểm tốt và điểm trừ, nhưng đủ đa dạng để mỗi cá nhân tìm được lối đi cho riêng mình. Dù chọn ngành nghề nào, việc bạn cần làm đó là cải thiện hiệu suất và hiệu quả công việc qua từng ngày, khi giá trị bạn đóng góp được công ty ngày một nhiều, thu nhập sẽ tăng lên tương xứng.