Tiếp nối nội dung phần đầu của bài viết “6 lý do khiến sinh viên muốn ứng tuyển vào Big 4”, hãy cùng nhau khám phá thêm những nhân tố còn chưa được hé lộ trong bài viết này nhé.
4. Phát triển bản thân một cách toàn diện
Thứ nhất, đặc thù của nghề kiểm toán sẽ đi công tác ở nhiều nơi, được tiếp xúc với các công ty thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Trong quá trình làm việc, kiểm toán viên sẽ được tiếp cận các quy trình kiểm soát, được trò chuyện với nhân sự cấp cao trong công ty nên bên cạnh phát triển nghiệp vụ, kiến thức kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cũng được mở rộng rất nhiều. Đối với các công ty thuộc khối Big4, số lượng khách hàng và quy mô công ty thường lớn nên cơ hội học hỏi luôn thường trực.
Thứ hai, các công ty kiểm toán sẽ có phòng đào tạo, bao gồm các chuyên gia nghiên cứu về chuẩn mực, luật, thông tư đang áp dụng và mới ban hành. Các nhân sự kiểm toán hàng năm đều phải tham gia các chương trình đào tạo được tổ chức bởi công ty. Chính môi trường làm việc được đào tạo, câp nhật và áp dụng liên tục khiến khả năng tự học của nhân sự ngành kiểm toán được cải thiện rất nhiều.
Bên cạnh đó, kiểm toán độc lập là một ngành nghề cung cấp dịch vụ, và ngay từ khi bắt đầu vị trí thực tập sinh hay trợ lý kiểm toán, các bạn sẽ được rèn luyện những kỹ năng mềm vô cùng quan trọng để áp dụng trong công việc như giao tiếp, làm việc nhóm, quản trị thời gian, làm việc dưới áp lực, giải quyết vấn đề… Trở thành Senior, bạn sẽ được trải nghiệm và thực hành kỹ năng quản lý các đội nhóm từ 2-4 người chỉ sau 2 năm làm việc. Mỗi lần tiếp xúc với khách hàng mới, làm việc với team kiểm toán mới sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm khác nhau, vô cùng thử thách nhưng không kém phần giá trị.
5. Cơ hội nghề nghiệp rộng mở
Sau khi làm việc trong nghề kiểm toán trong thời gian đủ dài, tích luỹ được kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết, các bạn sẽ đứng trước 2 lựa chọn: tiếp tục theo đuổi lên vị trí cáo hơn trong nghề, hoặc chuyển hướng sang làm ở những công ty khác, tại các lĩnh vực khác.
Ngoài cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính thì công ty kiểm toán còn cung cấp các dịch vụ khác liên quan như tư vấn thuế, pháp lý, tư vấn tài chính, tư vấn quản trị doanh nghiệp, tư vấn quản trị rủi ro… Bên cạnh đó, nếu là một nhân sự giỏi, bạn có thể đăng ký tham gia chương trình secondment. Các ứng viên khi tham gia chương trình sẽ trải qua các bài thi, và nếu vượt qua sẽ có cơ hội được công tác vị trí kiểm toán ở các quốc gia khác như Singapore, Malaysia, Anh, Mỹ… Một bức tranh tương đối rộng mở ngay tại chính công ty bạn đang làm.
Nếu vẫn theo hướng kế kiểm tại các doanh nghiệp bên ngoài, kiểm toán viên có thể ứng tuyển vào các vị trí kế toán cấp cao trong doanh nghiệp như kế toán tổng hợp, kế toán trưởng, giám đốc tài chính… hoặc kiểm toán nội bộ – một hướng phát triển mới vô cùng tiềm năng tại Việt Nam.
Dù tương lai bạn có tiếp tục theo đuổi công việc kiểm toán hay không, điều quan trọng ở đây là hãy hoạch định mục tiêu nghề nghiệp trong dài hạn. Cũng giống như quãng thời gian học đại học, chúng ta đã chuẩn bị kế hoạch cho mục tiêu thi tuyển dụng để ra trường có được công việc như mong muốn. Bây giờ cũng vậy, mỗi khi xác định được kế hoạch phát triển sự nghiệp bản thân với tầm nhìn khoảng 3-5 năm, bạn sẽ hình dung được những mảng kiến thức, kỹ năng cần cải thiện trước khi đặt chân đến một vị trí công việc mới, một môi trường làm việc mới.
6. Thu nhập và đãi ngộ
Mức khởi đầu về thu nhập của nghề kiểm toán cũng tương đối ổn, nhưng nếu đem chia cho thời gian làm việc thì thực sự không nhiều. Cũng vì tính chất công việc nên chính sách đãi ngộ cũng vô cùng hấp dẫn. Có thể kể đến một số khoản như trợ cấp đi lại, trợ cấp ăn uống, công tác phí,… và thời gian làm việc nhiều nên bạn cũng dễ tiết kiệm tiền hơn. Định kỳ sẽ có các department trip, company trip… giúp nhân viên bù đắp lại sức khoẻ tinh thần sau những chuỗi ngày chạy đua với deadline đầy mệt mỏi.
Vậy còn các bạn thì sao, sau khi cân nhắc những khía cạnh như phúc lợi, cơ hội học hỏi và lộ trình phát triển, bạn đã sẵn sàng khởi đầu sự nghiệp của mình với nghề kiểm toán hay chưa?