Tâm tình đời Kiểm toán

Bạn đang phân vân nghề chọn bạn hay bạn sẽ chọn nghề!

   Kiểm toán đến với tôi không phải là cái duyên mà là có định hướng lựa chọn từ trước mặc dù chuyên ngành chính không phải là kiểm toán cũng không hề liên quan tới kế toán, tài chính. Con đường đi ban ban đầu chỉ là vì người cùng khu trọ khi đó khiến tôi ngưỡng mộ đã đi theo kiểm toán mà tôi quyết định chuyển hướng. Một điểm nữa khiến tôi chọn kiểm toán đó là vì mong muốn sẽ được đi thật nhiều nơi, khám phá cuộc sống các vùng miền của đất nước và quan trọng hơn là có được kiến thức sâu mà rộng từ rất nhiều ngành kinh tế từ những công ty mà chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ kiểm toán. Tôi đã theo học các khóa về kế toán tiếng anh cơ bản nhất để lấy kiến thức nền tảng như CAT và sau đó là tự học ACCA. Bằng cấp không là tất cả nhưng tôi nhận ra đó là một trong những điểm mấu chốt giúp công việc của tôi thuận lợi hơn sau này, đặc biệt là về khả năng tư duy logic mà chúng tôi quen gọi là “thinking audit” hay “audit judgement”.

 

 

Kiến thức là quan trọng nhưng tôi lại quên rằng yếu tố quyết định rất nhiều đến thành công phải là kỹ năng.

    Kiến thức có được từ việc học tập còn kỹ năng phải có được từ việc không ngừng rèn luyện. Chính vì thiếu kỹ năng mà nguyện vọng nghề nghiệp của tôi khởi đầu không được như mong muốn. Kết quả là tôi liên tục thất bại trong các cuộc phỏng vấn vào các công ty kiểm toán Big4 Audit. Thất bại đó quả sẽ khiến bạn mất niềm tin vào bản thân trầm trọng vì gần như đối với dân Kiểm toán và đặc biệt dân ngoại đạo như tôi thì gần như kiểm toán phải là Big4 và Big4 đương nhiên là kiểm toán. Nhưng may mắn là tôi đã không bỏ đi định hướng của mình và tìm hiểu những công ty kiểm toán khác để hiểu được rằng: nếu bạn quyết định chọn nghề thì còn rất nhiều lựa chọn khác dành cho bạn. Cuối cùng tôi cũng có được offer từ một công ty kiểm toán của Nhật và chuyên về khách hàng Nhật. Phải nói rằng điều đó khiến tôi mừng rơi nước mắt. Sau này trải qua nhiều môi trường làm việc và cũng trải qua Big4 cho phép tôi hiểu rằng Công ty đó quả là một cái duyên với tôi khi không chỉ cho tôi được làm nghề mình yêu thích mà còn phù hợp với tính cách của bản thân. Ở nơi đó không chỉ cho tôi cảm giác được làm kiểm toán một cách “tử tế” nhất mà còn dạy tôi cách làm người, nơi tôi đã từng nhận đó là gia đình và đồng nghiệp là các anh chị em.

 

 

    Nếu có ai đó nói rằng kiểm toán sướng lắm, được ăn ngon mặc đẹp, môi trường chuyên nghiệp, lương cao, được mọi người tôn trọng kính nể. Thì tôi xin lỗi các bạn hãy đi rửa mặt hoặc uống một cốc cà phê cho tỉnh ngủ rồi hãy đọc những dòng chia sẻ của tôi hoặc hãy chọn công việc khác để làm vì trên đời này không có công việc nào mới ra trường lương 1,000$ mà không phải đổ mồ hôi sôi nước mắt cả (trừ khi bạn thuộc top 1% những con người xuất chúng).

    Khi ai đó hỏi “tôi có hai câu chuyện một vui một buồn hoặc một khó khăn và một sung sướng bạn muốn nghe điều gì trước?” thì đa phần sẽ chọn niềm vui và sự sung sướng vì đó sẽ giống như liều thuốc gây tê trước khi phẫu thuật sẽ làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn trước khi nghe kể về nỗi buồn và khó khăn. Tuy nhiên, tôi xin phép chia sẻ cho các bạn những khó khăn và đau khổ khi làm kiểm toán trước khi nói về những điều thú vị để khiến bạn hiểu rằng không có con đường nào trải đầy hoa hồng cả, và phải khổ trước sướng sau thế mới bền.

 

 

Vậy kiểm toán có gì đáng sợ?

   Thời gian làm việc: Bạn đi học ngày 6 tiếng và về có thể học thêm 3-4 tiếng hay những kỳ thi học kỳ có thể khiến bạn nghĩ rằng cuộc đời học sinh, sinh viên thật là kinh khủng và bạn muốn thoát khỏi đó để đi làm kiếm tiền rồi hưởng thụ. Nhưng rồi bạn sẽ sớm hiểu ra thôi vì đến 99% những người đi làm sẽ từng ước rằng tôi có thể quay lại thời sinh viên để được sống một cuộc sống vui vẻ hơn, thoải mái hơn. Làm kiểm toán bạn có thể phải chấp nhận ngày làm 8 tiếng hành chính và rồi quay trở về nhà với đống công việc còn dang dở thường ngốn thêm của bạn 4-5 tiếng mỗi ngày và rồi chợp mắt khoảng 4-5 tiếng bạn lại tư hỏi trời đã sáng rồi sao? Không làm thêm giờ thì sẽ không xong việc vì deadline luôn là cái đuôi mà bạn không thể nào cắt đi được trong mùa bận. Như vậy, kiểm toán chắc chắn không phù hợp với những con sâu ngủ.

   Mối quan hệ với cấp trên: Sếp sẽ là điều thứ hai khiến bạn luôn luôn phàn nàn “Sếp Este, sếp hổ báo, sếp khó tính, sếp ác độc, bla bla…”. Xin nhớ là khi bạn mới vào nghề bạn sẽ không chỉ có 1-2 sếp mà còn một lô 1 lốc cấp trên từ staff 2, senior, manager, director và Partner. Bạn phải hiểu là môi trường kiểm toán có rất nhiều áp lực vô hình nên dù bạn có gặp được một người sếp cực nice ngoài đời thường thì người đó rất có thể sẽ trở thành quỷ sa tăng trong suy nghĩ của bạn. Bạn sẽ thường xuyên phải nghe các câu nói như “Em làm xong chưa gửi đi? Em làm thế này mà gửi được à? Em sai rồi,…” và rồi cũng sẽ có những cuộc gọi thậm chí lúc nửa đêm hay những lúc bạn đang tung tăng chơi bời bên bạn bè mơ mộng về một tương lai sáng lạn để đòi nợ Working paper. Thật tụt mood và chán nản phải không? Vì vậy ngoài việc có kỹ năng ứng xử khéo léo hay kỹ năng từ chối thượng thừa thì bạn cần có thói quen để điện thoại trong tình trạng “không liên lạc được” vào mỗi ngày nghỉ (đùa thôi).

 

 

   Khách hàng: Bạn không nên có suy nghĩ mình là thanh tra, cảnh sát mà khách hàng phải nghe lởi và nể sợ vì kiểm toán là nghề dịch vụ và chúng ta chỉ đơn thuần là người cung cấp dịch vụ đảm bảo cần nhận được sự hài lòng từ phía khách hàng. Tuy nhiên cũng phải nói trước rằng, chúng ta cung cấp dịch vụ theo chuẩn mực và cần làm đúng đạo đức nghề nghiệp nên khi khách hàng không tôn trọng, không hợp tác, hoặc yêu cầu chúng ra làm sai, làm không đúng thẩm quyền dịch vụ thì cũng hãy mạnh mẽ từ chối. Bạn có thể phải thường xuyên gặp phải những khách hàng không hợp tác và nghe từ phía khách hàng những câu nói như: “Chị không cung cấp được em muốn làm thế nào thì làm, chị không làm em làm đi, chị không đồng ý, chị sẽ báo cáo cấp trên em làm không tốt, chị sẽ xin đổi người,…”. Làm kiểm toán không có nghĩa là bạn không được gữ, được thể hiện cái tôi hay lòng tự trọng, mà đôi khi cần phải biết kiên nhẫn, biết lắng nghe và hiểu khách hàng. Bạn và khách hàng cần trở thành những người bạn để có thể phối hợp cùng giúp đỡ nhau để hoàn thành công việc.

   Deadline: Kiểm toán có nhiều deadline được đưa ra để đảm bảo một deadline chung là phát hành báo cáo kịp thời cho khách hàng. Nếu chỉ có thời hạn báo cáo từ một khách hàng thì điều đó dễ giải quyết nhưng trường hợp bạn sẽ hay gặp phải đó là nhiều khách hàng cùng muốn phát hành báo cáo vào một thời điểm. Khi đó hoặc là bạn sẽ phải chịu áp lực cực lớn, thức thâu đêm suốt sáng cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ hoặc sẽ phải thể hiện kỹ năng đàm phán thuyết phục khách hàng giãn deadline. Khi không thể, đừng im lặng chịu trận mà hãy báo cáo với cấp trên để tái phân bổ nhân lực cho phù hợp.

   Thường xuyên phải di chuyển và sống xa nhà: Đây là một nghề thường xuyên phải đi công tác vì vậy nó thích hợp với những bạn trẻ thích di chuyển và độc thân nhưng lại không thích hợp với các bạn đã có gia đình và không thích sống xa nhà.

 

 

Vô vàn khó khăn là thế, vậy kiểm toán có gì vui?

   Hiểu biết nhiều ngành nghề: Trong phạm vi công việc bạn sẽ được tiếp xúc với mọi ngõ ngách của doanh nghiệp từ trao đổi tình hình chung với Ban Giám đốc đến tìm hiểu quy trình vận hành của doanh nghiệp như sản xuất, mua hàng, bán hàng, nhân sự. Có thể nói nghề kiểm toán là nghề dịch vụ giúp bạn có thể tiếp cận và tìm hiểu khách hàng một cách đầy đủ nhất. Không chỉ hiểu sâu mà bạn còn hiểu rộng khi lĩnh vực bạn kiểm toán không chỉ dừng lại ở một vài công ty mà diễn ra ở nhiều công ty với đủ mọi ngành nghề hoạt động từ cung ứng dịch vụ, thương mại đến sản xuất. Điều này đặc biệt thuận lợi khi biên giới nghề nghiệp không còn bị giới hạn trong phạm vi hẹp mà bạn có thể di chuyển sang các lĩnh vực khác như tài chính, kế toán, kiểm toán nội bộ ở nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau nếu lỡ một ngày bạn “hết yêu” kiểm toán.

   Cuộc sống với gia đình thứ hai: Bạn có bao giờ nghĩ mình sẽ có những người đồng nghiệp thân thiết như anh chị em chưa? Điều này gần như chỉ xảy ra trong lĩnh vực kiểm toán khi mà thời gian bạn đi công tác xa nhà được ăn, ngủ, nghỉ, chơi bời hết mình cùng những người em, người anh chị của mình. Thời gian bạn ở bên đồng nghiệp có khi lên tới 12-16 tiếng và còn nhiều hơn thời gian bạn ở bên gia đình của mình. Khi bạn tìm được những người đồng đội phù hợp thì áp lực làm việc và nỗi buồn xa nhà gần như sẽ được bù đắp lại. Đến bây giờ khi không còn làm kiểm toán nữa tôi vẫn hay nhớ về những kỷ niệm đẹp đi khắp đất nước bên anh em cùng một chút gì nuối tiếc.

Được đi vòng quanh Tổ quốc và nếu may mắn bạn còn có thể được ra nước ngoài. Bạn đang đi công tác nhưng trên khía cạnh nào đó bạn chính là đang được đi du lịch. Bạn sẽ được thăm thú phong cảnh, trải nghiệm văn hóa và thưởng thức ẩm thực tại những nơi mình đi qua. Có những vùng đất bạn sẽ ở đó rất lâu và cũng sẽ quay trở lại rất nhiều lần, có những nơi “khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.”

   Con đường kiểm toán đầy khó khăn những cũng ngập tràn niềm vui và cơ hội. Lựa chọn là ở bạn và bạn hãy suy nghĩ để có cách ứng xử với công việc một cách phù hợp và có thể tồn tại lâu trong nghề.