Transferable skills – Những kỹ năng có thể chuyển đổi trong thi tuyển dụng và làm việc Kiểm toán

Thông qua trải nghiệm tại các tổ chức, hội nhóm hay đi làm thêm, các bạn sẽ rèn luyện được các kỹ năng phục vụ cho công việc đó. Tuy nhiên có một thực tế rằng phần lớn những công việc bạn làm phần lớn sẽ làm khi còn là sinh viên không phải là thực tập kế toán hay kiểm toán, và bạn có thể nghĩ rằng mình không có những kỹ năng phù hợp cho vị trí công việc sau này. Thông qua bài viết này, hy vọng các bạn sẽ tìm được cách để “sell yourself” trước nhà tuyển dụng, thông qua một khái niệm gọi là kỹ năng có thể chuyển đổi – transferable skills.

1. Định nghĩa

Transferable skills là các kỹ năng được rèn luyện, phát triển trong công việc, các tình huống mà chúng có thể áp dụng được trong công việc, các tình huống khác. Biểu hiện thường thấy của transferable skills là các chùm kỹ năng áp dụng trong các lĩnh vực như: lãnh đạo, nghệ thuật, xử lý dữ liệu,… và các kỹ năng mềm có tính áp dụng phổ biến trong học tập, công việc và đời sống.

Hầu hết chúng ta đều tích luỹ được các kỹ năng chuyển đổi thông qua các trải nghiệm trong quá khứ, dù kết quả có thành công hay thất bại. Các kỹ năng chuyển đổi không bị bó buộc về mặt áp dụng trong mỗi ngành nghề, ngược lại trải nghiệm của mỗi cá nhân sẽ được tích luỹ qua thời gian, các kỹ năng cũng từ đó được hình thành và thông thạo hơn. Một kỹ năng được coi là có khả năng chuyển đổi mạnh khi nó có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực ngành nghề và trong nhiều tình huống khác nhau.

2. Kỹ năng chuyển đổi trong thi tuyển dụng

Đối với vị trí thực tập sinh/trợ lý kiểm toán vốn không yêu cầu kinh nghiệm làm việc, nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm và đánh giá nhiều hơn về tiềm năng của mỗi ứng viên. Do đó bạn hoàn toàn có thể “bán” sự tiềm năng của mình thông qua những trải nghiệm trong quá khứ và kỹ năng chuyển đổi mình đã rèn luyện được. Việc thiếu đi kinh nghiệm trực tiếp liên quan đến công việc thực chất không phải là rào cản lớn, vì đây là điều không thể tránh khỏi ở những bạn mới tham gia thị trường lao động hoặc muốn thử sức trong lĩnh vực mới. Cũng như các kiến thức, kỹ năng cứng trong công việc có thể lỗi thời trong tương lai nếu không có sự rèn luyện hay cập nhật.

Vì vậy bên cạnh phát triển sâu trong một lĩnh vực, việc tiếp tục phát triển các kỹ năng mà thị trường lao động nói chung cần đến sẽ mở ra nhiều cơ hội mới. Ví dụ một phòng ban trong các công ty sẽ có các cấp bậc: nhân viên, trưởng nhóm, trưởng phó phòng, quản lý, lãnh đạo… Mỗi cấp bậc trong công việc sẽ có những yêu cầu khác nhau về kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng làm việc hay khả năng quản lý, lãnh đạo. Càng lên vị trí cao, yêu cầu về năng lực chuyên môn sẽ giảm xuống, trong khi đó, kiến thức về nhân sự và quản lý sẽ yêu cầu cao hơn.

3. Một số kỹ năng chuyển đổi phổ biến

Transferable skills bao gồm các kỹ năng mềm và hoàn toàn có thể rèn luyện ở phần lớn các công việc làm thêm hay tham gia các tổ chức đoàn thể. Do đó, hãy hình dung lại những trải nghiệm trong quá khứ và móc nối với các kỹ năng cần thiết nhé. Dưới đây là một số transferable skills phổ biến. Để xem danh sách chi tiết, các bạn có thể tham khảo checklist tại nguồn sau: https://www.roguecc.edu/emp/Resources/transferable_skills_checklist.htm

Ngoài ra, dưới đây là một số kỹ năng chuyển đổi phổ biến mà bạn có thể rèn luyện được gần như ở bất kỳ môi trường nào. Hãy tự trả lời những câu hỏi dưới đây xem mức độ thành thục kỹ năng của mình đến đâu rồi nhé!

1. Kỹ năng giao tiếp bằng lời nói: biểu hiện ở việc bạn thể hiện ý kiến, giải quyết vấn đề trực tiếp ra sao? Có kiểm soát được cảm xúc và ngôn ngữ trong từng bối cảnh cụ thể không? Cách diễn giải một vấn đề có logic và nhất quán không? Bạn có thể đàm phán và thương lượng không?

2. Kỹ năng làm việc nhóm: thể hiện sự phù hợp của cá nhân trong môi trường làm việc tập thể và khả năng đóng góp giá trị cho mục tiêu chung. Hãy thử hình dung lại những lần làm việc nhóm, bạn đóng vai trò kết nối và giải quyết xung đột giữa các thành viên, hay là người chủ yếu đưa ra ý tưởng đóng góp, hay là cả hai? Kết quả của nhóm có đạt như kỳ vọng không và bạn đã rút ra bài học gì?

3. Kỹ năng lắng nghe: biểu hiện cụ thể là nghe chủ động, toàn tâm toàn ý nghe người khác nói, thấu cảm bối cảnh của người nói, từ đó đưa ra các phản hồi và ý kiến phù hợp. Đây là một kỹ năng quan trọng khi kết hợp trong giao tiếp và làm việc. Thực tế kỹ năng nghe rất khó rèn luyện và chúng thường là nguyên nhân của các cuộc giao tiếp, làm việc nhóm không hiệu quả và những hiểu lầm không đáng có.

4. Kỹ năng quản lý thời gian: thể hiện khả năng làm việc độc lập và tinh thần trách nhiệm với công việc. Hãy nhìn lại cách mình phân bổ và sử dụng thời gian những ngày vừa qua: Những công việc bạn đã lên kế hoạch có hoàn thành hay không? Bạn là người dễ tập trung hay dễ bị phân tán? Khi được giao thêm việc, bạn có kiểm soát được kế hoạch? Khả năng chịu áp lực đến đâu? Nhưng một điều quan trọng hơn cả là những việc bạn đang làm là vì mục đích gì, có đáng làm hay không hay có thể uỷ quyền?

5. Kỹ năng tin học: biểu hiện cụ thể là áp dụng công nghệ trong việc tối ưu hoá quá trình làm việc. Ở mức độ tối thiểu, phần lớn các công việc sẽ yêu cầu biết sử dụng các phần mềm văn phòng, trình duyệt trong việc tìm kiếm và xử lý dữ liệu. Nhưng bạn hoàn toàn có thể phát triển hơn thế, như tham khảo rồi tự tạo các công cụ tự động hoá công việc, giúp giảm thiểu thời gian nhập liệu thủ công. Khi đó bạn sẽ có thêm thời gian suy nghĩ và thực hiện những công việc phức tạp, cần sử dụng nhiều đến tư duy giải pháp.