4 sai lầm phổ biến về thi tuyển dụng

Khi chuẩn bị cho công việc đầu tiên khi ra trường, một trong những điều kiện cần đó là tìm hiểu về tính chất công việc, các doanh nghiệp phù hợp và các yêu cầu cho kỳ thi tuyển dụng. Càng tìm hiểu sớm, bạn sẽ càng có lợi thế về thời gian để chuẩn bị cho mục tiêu một cách đúng và đủ, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp những khúc mắc, những nhầm tưởng trước đây khi nói về nghề kiểm toán.

1. Các doanh nghiệp kiểm toán chỉ cung cấp dịch vụ kiểm toán?

Điều này là không đúng. Bên cạnh cung cấp dịch vụ đảm bảo (kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính), các công ty kiểm toán còn cung cấp các dịch vụ liên quan như kế toán, thuế, tư vấn thuế, pháp lý, tư vấn tài chính, doanh nghiệp… Ở nhiều công ty, mảng tư vấn đóng góp tỉ trọng doanh thu lớn hơn mảng kiểm toán trong tổng doanh thu hàng năm. Đồng thời, nhân sự làm kiểm toán lâu năm có thể chuyển hướng sang những mảng trên, với mong muốn thay đổi tính chất công việc, đón nhận thử thách mới nhưng vẫn làm việc với các khách hàng lớn.

2. Học trên trường là có thể thi tuyển dụng?

Điều này có phần đúng và không đúng. Đầu tiên, kiến thức chuyên ngành mà các bạn học trên trường chính là kiến thức được sử dụng khi đi làm thực tế. Các bài học về kể toán, kiểm toán và thuế đều được xây dựng trên các văn bản luật, chuẩn mực, thông tư… Đến khi đi làm, chúng ta vẫn sử dụng các văn bản đó để tra cứu phục vụ cho công việc. Do vậy học chắc kiến thức trên trường sẽ là một xuất phát điểm tốt trong các vòng thi tuyển dụng và vài năm đầu đi làm.

Tuy nhiên, kiến thức chuyên ngành không phải yếu tố duy nhất giúp bạn chinh phục được các kỳ thi tuyển dụng và không phải nhân tố duy nhất giúp các bạn thăng tiến trong công việc. Hầu hết các vòng thi tuyển dụng đều diễn ra bằng tiếng Anh, do đó bên cạnh trang bị kiến thức chuyên ngành thì khả năng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, phỏng vấn, tranh biện, hiểu các từ ngữ chuyên ngành cũng vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó kỹ năng và thái độ sẽ đóng vai trò quyết định khi đánh giá năng lực của mỗi người. Mức độ tích luỹ kỹ năng, thái độ là không giống nhau giữa các cá nhân, không đến từ việc đọc sách thuần tuý mà đến từ những trải nghiệm thực tế trong và ngoài trường học.

3. Không học đúng chuyên ngành kế kiểm thì không thể thi?

Điều này là không đúng. Nếu theo dõi chương trình tuyển dụng tại các công ty, các bạn sẽ thấy phần điều kiện dự thi (requirement) sẽ không bắt buộc phải là sinh viên chuyên ngành kế toán – kiểm toán. Là một trong số những ngành nghề không yêu cầu kinh nghiệm làm việc, chẳng có lý do gì mà nhà tuyển dụng phải tự giới hạn phân khúc tìm kiếm nhân tài hết. Sau khi đã vượt qua vòng phỏng vấn cá nhân, các bạn sẽ đều tham gia quá trình training nội bộ tại công ty trước khi bước vào công việc chính thức.

Vì vậy, các công ty kiểm toán thường tiếp nhận hàng ngàn hồ sơ từ các bạn sinh viên ở các chuyên ngành khác nhau. PwC là một minh chứng cho thấy có nhiều thực tập sinh và nhân viên có xuất phát điểm trái chuyên ngành. Vòng test sẽ là các câu hỏi thuộc dạng Numerical và Verbal Reasoning, vòng phỏng vấn nhóm là những case về kiến thức xã hội.

4. Đỗ kỳ thực tập là chắc suất trở thành nhân viên chính thức?

Điều này là hoàn toàn sai lầm. Đối với nhiều bạn sinh viên, mục tiêu lớn nhất trong 4 năm đại học là tìm kiếm một vị trí công việc như mong muốn. Theo hướng kiểm toán thì xuất phát điểm tại Big4 sẽ vô cùng thuận lợi. Tuy nhiên khi đỗ kỳ tuyển dụng, các bạn lại không biết mục tiêu tiếp theo của mình là gì, hơn nữa lại vừa đạt được mục tiêu lớn nên dễ sinh tính chủ quan. Đứng dưới góc độ công ty, nhà tuyển dụng muốn tìm kiếm người làm được việc, những đồng lương bạn được nhận phải xứng đáng với công sức bỏ ra, chứ không phải để công ty thuê tấm bằng đại học.

Đứng dưới góc độ thực tập sinh, đây là quá trình làm quen với môi trường làm việc và thích nghi dần với tính chất công việc. Khi phỏng vấn các bạn có thể tự tin bộc lộ rằng mình đã hiểu những mặt được và mất của nghề, nhưng chỉ khi trải nghiệm thực tế, mức độ phù hợp của bạn với công việc mới được đo lường chuẩn xác. Đã có không ít thực tập sinh đã phải bỏ mùa bận giữa chừng, phần vì tính cách bản thân không thực sự phù hợp, phần vì thiếu sự chuẩn bị cần thiết trước khi đi làm.