Con đường chuẩn bị cho thi tuyển dụng không phải là chuyện một sớm một chiều mà sẽ là quá trình tích luỹ trải nghiệm trong suốt quãng thời gian trên giảng đường đại học. Trong bài viết này, chúng ta sẽ dựa trên yêu cầu, các vòng thi của quy trình tuyển dụng và một khung đánh giá năng lực được áp dụng rộng rãi, để các bạn có một góc nhìn tổng quan về những gì mình cần trang bị nhé.
1. Mô hình ASK
ASK (Attitude – Skills – Knowledge) (kiến thức, kỹ năng, thái độ) là mô hình được áp dụng rộng rãi trong việc đo lường, phát triển năng lực cá nhân và trong quản trị nhân sự. Các thành phần trong mô hình này bao gồm:
- Knowledge (kiến thức): được chia làm 2 nhóm nhỏ. Nhóm đầu tiên là kiến thức chuyên ngành, phục vụ trực tiếp cho vị trí công việc, biểu hiện rõ nhất là kiến thức chuyên ngành kế toán – kiểm toán – thuế mà các bạn sinh viên chọn khi theo học. Nhóm thứ hai là kiến thức ngoài chuyên môn, có thể đến từ bất kỳ lĩnh vực nào. Xu hướng thông thường sẽ là trang bị thêm kiến thức ở các lĩnh vực liên quan đến chuyên môn để có cái nhìn tổng quan hơn. Ví dụ với kế toán – kiểm toán, các kiến thức về tài chính, kinh tế sẽ có sự liên quan mật thiết và bổ trợ cho công việc của kế toán viên, kiểm toán viên.
- Skills (kỹ năng): được chia làm 2 nhóm nhỏ. Nhóm đầu tiên là kỹ năng cứng, bao gồm các kỹ năng đặc thù được áp dụng trong từng công việc cụ thể, và thường yêu cầu mức độ hiểu biết nhất định về kiến thức chuyên môn để có thể áp dụng. Nhóm thứ hai là kỹ năng mềm, được áp dụng trong nhiều góc độ của cuộc sống, chủ yếu là những kỹ năng thuộc về tính cách con người và không mang tính chuyên môn.
- Attitude (thái độ): là quan điểm, quan niệm của cá nhân về giá trị. Bên cạnh đó là suy nghĩ, tình cảm và cách hành xử của cá nhân trong đời sống thường ngày.
Kết hợp cả 3 thành tố trên, chúng ta có khái niệm năng lực. Ứng với mỗi công ty và mỗi vị trí công việc khác nhau, mô hình ASK sẽ được xây dựng với một danh sách các tiêu chuẩn, dựa trên mức độ phù hợp về văn hoá và định hướng phát triển.
2. Áp dụng mô hình ASK trong việc chuẩn bị cho kỳ thi tuyển dụng
Kiến thức chuyên ngành sẽ là nội dung được test qua hầu hết các vòng thi, bao gồm vòng đánh giá năng lực, phỏng vấn nhóm và phỏng vấn cá nhân. Nội dung cần chuẩn bị sẽ bao gồm kiến thức về kế toán kiểm toán. Hiện tại có 2 hướng học kế toán đó là kế toán Việt Nam (bao gồm các VAS và thông tư) và kế toán quốc tế (IFRS/IAS hoặc GAAP).
Sẽ có sự khác biệt giữa 2 hệ thống kế toán trên, nhưng phần lớn các quy định chung, nguyên tắc hạch toán sẽ có sự tương đồng. Đối với sinh viên học kế toán Việt Nam, các bạn sẽ cần trau dồi thêm kiến thức chuyên ngành bằng tiếng Anh nếu ứng tuyển vào các công ty đa quốc gia, trong khi đó các bạn theo học kế toán quốc tế sẽ cần trau dồi thêm kiến thức kế toán Việt Nam, do hầu hết các doanh nghiệp đều lập và trình bày báo cáo tài chính theo VAS và Thông tư 200 (trừ một số doanh nghiệp đặc thù).
Về kỹ năng, hầu hết chúng ta sẽ rèn luyện các kỹ năng mềm thông qua việc đi làm thêm, tham gia các hoạt động, tổ chức trong và ngoài trường. Về kỹ năng mềm cần thiết cho nghề kiểm toán, các bạn có thể tham khảo như làm việc nhóm, quản lý thời gian, giao tiếp, làm việc dưới áp lực… Từ đó xác định những kỹ năng cần trau dồi và môi trường rèn luyện phù hợp để phát triển bản thân.
Về kỹ năng cứng, các bạn sẽ được training trước khi vào mùa bận, nhưng một số kỹ năng cần có đối với một bạn thực tập sinh sẽ là lọc sổ và trình bày dữ liệu trên Excel. Đây là một số gợi ý để các bạn có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tuyển dụng. Vòng phỏng vấn nhóm sẽ là nơi test kỹ năng của các thí sinh rõ ràng nhất. Để có một màn teamwork thuyết phục thì từng thành viên cần thể hiện các kỹ năng interpersonal thật tốt để đóng góp cho bài làm chung.
Bên cạnh đó, khả năng sử dụng tiếng Anh cũng cần được chú trọng. Đối với mục đích thi tuyển dụng, tất cả các vòng thi đều sử dụng tiếng Anh nên hãy trau dồi cả 4 kỹ năng và hướng đến mục đích sử dụng thực sự, chứ không nên dừng lại khi đạt được kết quả, bằng cấp. Đối với đi làm, tiếng Anh được coi là ngôn ngữ phổ biến khi giao tiếp với người nước ngoài, bên cạnh đó là rất nhiều tài liệu, sách báo chuyên ngành của các chuyên gia được viết bằng tiếng Anh. Đến đây thì các bạn cũng nhận thấy được tầm quan trọng và tiềm năng phát triển sự nghiệp của ngoại ngữ nói chung rồi chứ?
Cuối cùng và quan trọng nhất là phẩm chất và thái độ, bao gồm: trung thực, chăm chỉ, kiên trì, có ý chí, tinh thần cầu tiến… Thông qua quá trình tích luỹ trải nghiệm và rèn luyện bản thân, các bạn đã tích luỹ được phần nào rồi. Và anh chị hoàn toàn có thể đánh giá được qua các câu hỏi về thông tin cá nhân hoặc câu hỏi tình huống. Vì vậy, hãy trân trọng từng trải nghiệm mình có được và rút ra những bài học kinh nghiệm từ chúng để khong ngừng cải thiện cải thiện bản thân nhé.
Be yourself and be unique!