5 DẤU HIỆU BÁO TRƯỚC SỰ THẤT BẠI TRONG CV

Các nhà tuyển dụng đặc biệt là Big4 thường có vài nghìn CV mỗi kỳ tuyển dụng để xem. Do đó, họ thường chỉ dành vài chục giây để lướt qua CV và đánh giá xem ứng viên có phù hợp với những yêu cầu cho vị trí đang tìm kiếm không. Trong vài chục giây đó họ không đọc toàn bộ nội dung, và họ có những nguyên tắc để loại bỏ ngay những CV có các dấu hiệu sau đây nhé.

Thường 20s là thời gian nhà tuyển dụng dành để đọc và đánh giá CV.

1. Viết CV mục đích duy nhất là pass vòng CV chứ không phải vòng phỏng vấn cá nhân

Nên nhớ là CV và vòng phỏng vấn cuối (FI) đơn giản chỉ là 2 vòng nói về cùng một con người bằng chữ và lời nói nên cần sự nhất quán thông tin.

Thông tin tham khảo trên mạng mà không có thực về bản thân. Anh nói điển hình như, có nhiều bạn khi viết CV không thực sự nhìn nhận rõ ràng về bản thân, mà chỉ tham khảo CV trên mạng thiếu chọn lọc, đặc biệt trong phần kỹ năng như “communication”, “Microsoft office”, “problem – solving”… Nó là “cliche” (sáo ngữ), mình dùng mà chưa hiểu mình có khả năng này đến đâu, vào vòng phỏng vấn mà bị Interviewer hỏi “em hãy chứng minh về khả năng Giải quyết tình huống của mình” thì sẽ tắc đó nhé.

2. Thông tin không phù hợp với nghề

Ví dụ: apply kiểm toán nhưng thông tin toàn những ngành nghề khác như marketing, sales…

CV là bản tóm tắt thể hiện kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và các điểm mạnh của bản thân. Sự thể hiện này nhằm thông báo: “tôi phù hợp với vị trí ứng tuyển”. Với kiểm toán viên, một số tiêu chí em nên nhấn mạnh là kỹ năng sử dụng excel, kĩ năng quản lý thời gian, tư duy phân tích, làm việc nhóm… phải đặc biệt lưu ý về “sự phù hợp” nhé.

Có thể có một vài giải thưởng về nghệ thuật mà em rất tự hào như hát, sở thích như đá bóng… (các công ty kế kiểm hay có phong trào thi đấu bóng đá, nếu có sở thích hay khả năng về bóng đá dễ gây thiện cảm nhé).

3. Thông tin tràn lan theo tâm lý liệt kê bằng hết

CV ấn tượng chỉ cần nổi bật các điểm nhấn về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, tính cách phù hợp với nghề mình apply.

Độ dài thích hợp cho CV phụ thuộc vào độ sâu của kinh nghiệm, kiến thức và mục tiêu công việc hiện tại. Chiều dài CV chuẩn là 1 trang, nhưng không nhất thiết phải ràng buộc mình trong giới hạn đó. Nếu có nhiều kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực của công việc dự tuyển, em có thể trình bày đầy đủ trong 2 trang (chỉ nên 2 trang là tối đa nhé).

4. Lỗi chính tả, format thể hiện sự cẩu thả

Những sai lầm dạng này hơi khó để chấp nhận. Nghĩa là CV của em vẫn có thể bị cho vào nhóm hồ sơ kém dù thừa tiêu chuẩn để cân nhắc cho vị trí dự tuyển.

Nếu em không chăm chút và rà soát lại CV của mình một cách kỹ lưỡng thấu đáo, HR có thể kết luận rằng em đã không dành đủ tâm huyết cho cơ hội này. Cách tốt nhất, sau khi tự mình cẩn thận đọc qua toàn bộ CV đã viết, hãy nhờ một hoặc hai người bạn xem xét nó lần nữa.

Còn nếu để ảnh vào CV, phải đảm bảo rằng bức ảnh trông thật ưa nhìn và chuyên nghiệp, để nhà tuyển dụng nhìn ảnh của em là có thiện cảm ngay. Ấn tượng ban đầu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc em có được vào vòng trong hay không!

5. Kinh nghiệm nghe có vẻ “khủng” nhưng thực chất lại “sơ sài”

Nhiều bạn nói chung chung về vị trí công việc mà không nói cụ thể trách nhiệm bạn ấy được giao, thành quả, kỹ năng đạt được.

Để sửa lỗi, đặc biệt chú ý cho anh phương pháp trình bày thông tin theo model STAR nhé (Situation – Task – Action – Result). Chú ý nhấn mạnh vào kết quả công việc: Đưa vào những kỹ năng và thành tựu đạt được để nhà tuyển dụng thấy được em đã mang đến những giá trị cho chính em và công ty/ tổ chức em đã làm việc (dẫn chứng cụ thể bằng việc thêm các con số, tên chương trình, sản phẩm…).

Vậy thì tóm tắt lại, để khắc phục những lỗi lầm siêu kinh điển trên khi viết CV, anh chỉ có một lời nhắc nhở, hãy thực sự nghiêm túc với chính bản thân mình em nhé! Có thể các em đã học 4 năm Đại học để chờ đợi cơ hội này, tại sao không thể cho nó 1 tuần để nghiên cứu và làm thật cẩn thận. Chúc các em may mắn.