Cảm ơn nghề Kiểm toán

Gần 5 năm trôi qua kể từ ngày chính thức xa rời công việc kiểm toán (công việc mà anh đã gắn bó 7 năm 8 tháng từ khi anh tốt nghiệp đại học), và tới thời điểm hiện tại, anh đã có thêm 3 công việc khác bên cạnh công việc kiểm toán là: Thẩm định tài chính – Trưởng phòng, Kiểm toán nội bộ – Trưởng phòng và Cố vấn Hội đồng Quản trị. Có một câu hỏi mà anh thường gặp đó là: “Nguyên nhân nghỉ công việc kiểm toán của bạn là gì?”.

Không biết từ bao giờ anh lại cảm thấy vui và thú vị mỗi khi nhận được hỏi câu này. Anh vui không phải là từ câu trả lời mà chính là bởi vì câu hỏi này là chìa khóa để khởi động sự hồi tưởng của anh về những gì công việc kiểm toán đã trang bị cho anh. Những trang bị này đã và đang là yếu tố quyết định đối với sự phát triển nghề nghiệp của mình. Hôm nay anh sẽ chia sẻ cho các em có dự định chọn nghề kiểm toán làm điểm khởi đầu cho sự nghiệp để các em thêm thông tin về lựa chọn của mình. Những trang bị mà công việc kiểm toán trang bị cho anh bao gồm:

1. Kiến thức và bài học giá trị từ những người có kinh nghiệm

Dịch vụ kiểm toán được cung cấp cho khách hàng kiểm toán thông qua một nhóm kiểm toán viên. Để đảm bảo chất lượng của dịch vụ kiểm toán, một công việc luôn có trong to-do-list của người đứng đầu nhóm kiểm toán đó là thực hiện training-on-job cho các thành viên trong nhóm.

Là một thành viên chưa có kinh nghiệm, ví dụ như sinh viên mới ra trường, họ sẽ được chia sẻ vô vàn kiến thức thực tế và bài học giúp cải tiến chất lượng công việc từ việc training on job này. Đây là một sự thuận lợi giúp cho nhân viên kiểm toán có thể có được kiến thức mới và áp dụng ngay vào thực tiễn nhanh hơn với các nhân viên làm việc trong phần lớn các ngành nghề khác.

2. Kiến thức và bài học đắt giá từ những người quản lý cấp cao và ngưởi chủ trong công ty khách hàng kiểm toán

Có vẻ như kiểm toán là một trong số ít các công việc mà cho người thực hiện cơ hội được tiếp xúc và phỏng vấn người quản lý cấp cao và người chủ công ty nhiều nhất, bất kể người thực hiện công việc kiểm toán đó là đã có kinh nghiệm hay chưa có kinh nghiệm.

Các em thử nghĩ có gì tuyệt vời hơn cho một sinh viên mới ra trường khi ngồi nghe trực tiếp những thông tin về mô hình hoạt động và quản lý công ty, chiến lược kinh doanh của công ty từ một người quản lý cấp cao của công ty. Trên thực tế, những cuộc trao đổi như thế này đến chính ngay người quản lý cấp trung trong chính công ty đó cũng không có mấy cơ hội được tham dự.

Việc tiếp xúc và phỏng vấn này không chỉ giúp nhân viên kiểm toán hoàn thành một thủ tục kiểm toán bắt buộc mà còn giúp người nhân viên kiểm toán có cơ hội tiếp xúc với những kiến thức và bài học đắt giá trong kinh doanh một cách miễn phí.

3. Kiến thức và kỹ năng để đánh giá độ tin cậy của thông tin

Chất lượng của một quyết định trong kinh doanh (ví dụ như dừng hay bắt đầu sản xuất một sản phẩm nào đó, tiếp tục đầu tư thêm hay thoái vốn) phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của thông tin được sử dụng khi đưa ra quyết định. Và để đánh giá chất lượng của thông tin, người thu thập thông tin tối thiểu nên trang bị kiến thức về kế toán và kỹ năng công việc của nhân viên kiểm toán.

Điều này cũng lý giải một phần, là những nhân viên phân tích tài chính, nhân viên làm công việc liên quan tới tài chinh và quản lý mà có kinh nghiệm làm kiểm toán có lợi thế lớn hơn đáng kể trong phát triển nghề nghiệp so với những nhân viên khác không có kinh nghiệm làm kiểm toán.

4. Kỹ năng giao tiếp và học tập hiệu quả

Tới đây, các em có thể thấy công việc kiểm toán có nhiều cơ hội tuyệt vời để cho một sinh viên mới tốt nghiệp trưởng thành với một tốc độ mà dường như không có công việc khác nào có thể mang lại và so sánh được. Tuy nhiên, nhìn theo một hướng khác, nghề kiểm toán có yêu cầu rất cao với các nhân viên kiểm toán, anh tạm gọi là, ở mức khốc liệt (cũng chính vì sự khốc liệt này mà anh và đồng nghiệp thường gọi nhau là “công nhân kiểm toán” thay vì nhân viên kiểm toán mỗi khi mô tả về người làm công việc kiểm toán).

Sự vất vả và khốc liệt ở đây đó chính là việc phải học thật nhanh một lượng kiến thức khổng lồ (như kiến thức kế toán, kiểm toán, thuế, kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng làm việc với khách hàng) trong khoảng thời gian eo hẹp của một đợt kiểm toán, thường kéo dài khoảng 1 đến 2 tuần.

Bởi vậy, những ai trụ được trong nghề kiểm toán sau một khoảng thời gian nhất định (theo kinh nghiệm của anh và mặt bằng chung là khoảng 4 năm) sẽ có kỹ năng giao tiếp (ví dụ như làm việc nhóm, khả năng đặt câu hỏi) được đánh giá cao khi đi làm ở công ty khác và có kỹ năng học tập rất hiệu quả. Trên đây là những hành trang và thông tin chính mà anh muốn chia sẻ cho các em có quan tâm và dự định chọn nghề kiểm toán làm điểm khởi đầu cho sự nghiệp. Tới nay, những suy nghĩ và tình cảm dành cho nghề kiểm toán của anh đã và đang được thể hiện gắn gọn bằng câu:

“CẢM ƠN NGHỀ KIỂM TOÁN!”

– Your Mentor –