F3 NHƯ MỘT LY TRÀ “PHA” KHÔNG NGHIÊM TÚC DỄ LÀ HỎNG NGAY

Thân gửi các em sinh viên năm 3,

Nếu các em không có sự nghiêm túc, sự định hướng rõ ràng cùng với một phương pháp học tập phù hợp, thì nó sẽ rất giống với việc pha trà: thời điểm không đúng, công thức sai, và đương nhiên, loãng thì thành “nhạt nhẽo”, mà “đậm đặc” quá thì dễ gây mất ngủ. Vì thế, thời điểm và công thức đúng luôn là cụm từ được ghim trong đầu chị. Học F3 cũng không ngoại lệ.

Financial Accouting (ACCA F3) sẽ là lựa chọn đầu tiên của không ít các bạn, bởi đây là môn cung cấp kiến thức nền tảng về kế toán tài chính, giúp các em có cơ sở để học lên các môn cao hơn. Cũng là một sinh viên bình thường như bao sinh viên khác, chị cũng đã trải qua đủ cung bậc lúc thăng lúc trầm cùng môn học NỀN nặng cả TẢNG này.

Chia sẻ  với các em, vì nhiều lý do mà đến hết kỳ 1 năm 3 chị mới bắt đầu học F3. Và chị nhận thấy đó là sự muộn màng của bản thân, vì sau đó còn rất nhiều kiến thức chuyên ngành khác khá khó phải học, mà F3 giống như điều kiện đầu vào vậy. Vì thế, nếu em đã xác định học, thì hãy học từ bây giờ!

Bản thân chị cũng gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận môn học này. Vì thế nên chị hiểu và đã tự rút ra một số kinh nghiệm bản thân để vượt qua khủng hoảng ban đầu đó để chia sẻ với các em.

  1. “Từ vựng chuyên ngành?” – Điều gì cũng khó trước khi nó trở nên dễ dàng

F3 là mối tình đầu khi bước vào thế giới của những môn học chuyên ngành bằng tiếng Anh, thế nên điều tất yếu là chúng ta sẽ bỡ ngỡ không biết làm sao cưa đổ một “nàng Tây” khi ta chưa biết những ngôn ngữ mà nàng thường sử dụng. Các tài liệu trên lớp, tài liệu đọc thêm hay cả bài tập về nhà cũng hoàn toàn 100% tiếng Anh. Điều này làm các bạn khá choáng ngợp, bởi dù tiếng Anh bạn có tốt, thì những từ vựng học thuật chuyên ngành của kế toán cũng không hề dễ dàng ngay khi bắt đầu. Đây cũng chính là tác nhân đầu tiên dẫn đến những di căn sang các vấn đề khó khăn dây chuyền tiếp nối sau đó, đọc không hiểu, dẫn đến không hiểu bài, không biết cách làm bài tập, và tất yếu là cảm giác chán nản sẽ ập đến. Và dù ta đã từng thề dồn 200% công lực cho việc học thì lúc ấy cũng sẽ như điện thoại hết pin, cảm giác như không còn năng lượng để tiếp tục chiến đấu.

Giải pháp ở đây là gì? Như tiêu đề chị đã nhắc đến: “Điều gì cũng khó trước khi nó trở nên dễ dàng”. Đừng nhìn vào khó khăn trước mắt, vì chỉ cần làm đúng cách, việc tưởng như khó khăn sẽ thật đơn giản. Để ngăn ngừa cảm giác nản toàn tập sau này, hãy luyện cho mình thói quen chấp nhận khó khăn ngay từ đầu nhé. Có thể có rất nhiều từ vựng chuyên ngành các em không biết, nên trước khi lên lớp hãy đọc trước bài ở nhà, chủ động tra các từ mới mà mình chưa hiểu. Nhiều khi cuốn từ điển không thể giúp ta tra ra “ẩn ý” sâu xa gắn với ngữ cảnh trong bài học, hãy highlight và giải pháp đúng nhất luôn đến từ mentor của em. Vì thế một Mentor giỏi thực sự rất quan trọng, vì đó là người giúp em không bị rơi vào cảm giác hoang mang.

Đừng quên là dù học gì đi nữa mà không review lại thì kiến thức cũng sẽ sớm bay hơi, nên mỗi khi học được từ mới nào, hãy note vào 1 quyển cẩm nang riêng của bản thân để mỗi ngày đều mở ra ngắm nghía lại một lượt. Lúc đầu công việc này rất tốn thời gian và nhàm chán, dĩ nhiên! Nhưng sau đó, khi đã quen mặt các từ này rồi, việc đọc trước bài mới sẽ ít tốn thời gian hơn, số lượng từ cần take note cũng sẽ giảm đi, đó chính là lúc ta đã tự lên level cho bản thân rồi đấy.

2. “Choáng với cách học?” – Trước lạ sau quen

Để học F3 hiệu quả, như chị đã đề cập ở trên, việc đọc bài trước khi đến lớp là một công đoạn KHÔNG THỂ THIẾU. Ngoài đọc bài trước khi đến lớp, take note từ mới, các em còn cần review lại kiến thức đã học ở buổi trước và làm bài tập về nhà để củng cố lại những gì đã học. Trong quá trình đọc bài, không phải chỉ những tài liệu đã được cung cấp sẽ thoả mãn hoàn toàn những câu hỏi trong đầu em.

Vì vậy, chị khuyến khích việc tìm kiếm các nguồn tài liệu tin cậy liên quan để mở rộng thêm cách nhìn nhận cho bản thân, cũng là cơ hội để ta rèn luyện tư duy logic và phản biện. Nghe đã thấy rất nhiều việc cần phải làm rồi đúng không, vậy làm sao để ta sắp xếp và cân bằng được chừng ấy công việc? Bí quyết lại nằm ở chính câu tiêu đề: “Trước lạ sau quen”. Để quen được với những điều lạ lẫm, không cách gì khác là ta hoạch định sẵn một kế hoạch học tập chi tiết và luyện đi luyện lại đến khi nó trở thành thói quen, không còn là kế hoạch trên giấy mà là thời gian biểu sinh hoạt hằng ngày của ta vậy. Đây cũng là lúc các em rèn luyện kỹ năng bố trí sắp xếp công việc, time management, giải quyết khó khăn và nâng cao hiệu suất lao động của bản thân. Cố gắng vượt qua lúc chập chững ban đầu sẽ tạo cho em một phương pháp học, một cách học mà không chỉ với F3, mọi kiến thức khác đều có thể áp dụng.

4. “Không biết cách làm bài tập về nhà?” – Đồng minh tác chiến

Có một vài nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc em không thể làm được bài tập về nhà, là do em chưa hiểu bài giảng trên lớp, do chưa biết cách áp dụng những lý thuyết học được vào tính toán và giải case thực tế, hoặc đơn giản là do chưa thực hiện các bí kíp mà chị đã kể ở trên đây. Cảm giác không biết làm sẽ dẫn đến việc mất động lực, tự ti về bản thân hay tệ hơn là bỏ bê, gấp sách đi ngủ trong lo sợ.

Đừng để điều đó xảy ra nhé, vì đây vẫn là căn bệnh chưa đến nỗi vô phương cứu chữa đâu. Ngoài việc thực hiện tuần tự các bước ở trên, các em hãy kiếm cho mình những đồng minh để cùng thúc đẩy nhau tiến bộ. Không làm được bài tập, em có thể có các bạn trên lớp, hoặc các anh chị mentor, các anh chị đã từng học để trao đổi đáp số, cách làm. Làm việc nhóm không có nghĩa là em ỷ lại vào người khác để tìm kiếm đáp số cho bản thân, tự mình cũng phải là một người chủ động suy nghĩ, thu nhận, góp ý và phản hồi thì kiến thức và cách làm bài tập mới đọng lại trong em lâu dài được.

4. “Không hiểu bài giảng trên lớp?” – Mạnh dạn hỏi đến khi hiểu

Nhiều bạn do bỏ lỡ một bài thuốc bí truyền nào trên đây mà dẫn đến triệu chứng lơ ngơ khi nghe giảng, không hiểu mentor đang nói gì, thì hãy chú ý nhé, bí quyết là: “Mạnh dạn hỏi đến khi hiểu”. Việc đặt câu hỏi với giảng viên hay mentor đối với nhiều người dường như là một điều rất khó khăn. Họ sợ câu hỏi của mình ngớ ngẩn, sợ bạn bè chê cười, sợ giảng viên có ấn tượng xấu. Nghe hậu quả của việc “mạnh dạn hỏi” có vẻ nghiêm trọng đấy nhỉ. Nhưng nếu không hỏi thì hậu quả là gì? Là mất nhiều hơn được. Nếu ta giữ câu hỏi trong đầu, thì chả ai biết ta đang nghĩ gì mà chê trách cả, và dĩ nhiên cũng chả ai hiểu ta đang thiếu gì mà bổ sung. Ta vẫn sẽ phân vân với thắc mắc đó và không tập trung được cho những phần phía sau, dẫn đến trước thì không hiểu, sau thì không nghe, cuối cùng là không đọng lại được một cái gì sau cả 1 buổi học. Vừa lãng phí tiền của, vừa lãng phí thời gian, trong khi ta lại thêm đau đầu vì câu hỏi chưa được giải quyết. Đó là chưa kể sẽ chẳng ai cười nhạo bạn, khi sau 1 câu hỏi mà tưởng chừng ngớ ngẩn, bạn hiểu rõ bản chất vấn đề hơn, bạn biết được cách giải quyết vấn đề đó như thế nào. Bỏ qua cái tôi cố chấp đi, và hãy nghĩ cho toàn cục. Và khi về vấn đề đó sau này lúc đi thi, đi kiểm tra, thậm chí đi tuyển dụng gặp phải mà vẫn để đáp án là một dấu hỏi, thì liệu cảm giác có tồi tệ hơn cái xấu hổ kể trên không? Trên đời không bán liều thuốc giá như, nên hãy hành động ngay khi có thể nhé.

Trên đây là một số khó khăn và giải pháp mà chị đã tổng hợp, tham khảo lời khuyên của nhiều người và đúc kết ra. Mong rằng qua một số chia sẻ đó của chị, các em phần nào sẽ giải quyết được những khó khăn mà mình đã, đang hay sẽ gặp phải. F3 mới là điểm xuất phát của các em, hãy chuẩn bị kỹ một khởi đầu thành công, để cả con đường sau đó có thêm ánh sáng. Và nếu đọc đến đây rồi, các em thấy những chia sẻ này hữu ích, thì đừng chần chờ mà vạch ngay kế hoạch và thực hiện ngay những bước khởi động đi. Không bao giờ là sớm khi bắt đầu kế hoạch. Thay vì để những bí kíp này chỉ là HÀNG TỒN KHO chậm tiêu thụ, mãi xếp xó trong kho mà không được lôi ra ánh sáng, hãy biến nó thành TÀI SẢN CỐ ĐỊNH để mang lại lợi ích chắc chắn trong tương lai cho bản thân các em nhé.

Chúc các em thành công.