Sinh viên và câu chuyện rèn luyện kĩ năng mềm (Phần 1)

Khi phỏng vấn các bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn sinh viên năm nhất về yếu tố nào cần rèn luyện trong suốt 4 năm đại học, khá nhiều bạn trả lời là kỹ năng mềm. Điều này cho thấy tầm quan trọng của kỹ năng mềm trong công việc cũng như tín hiệu tích cực của các bạn sinh viên trong việc cập nhật thông tin. Tuy nhiên giữa việc xác định mục tiêu và lên kế hoạch hành động vẫn còn khoảng cách tương đối lớn. Bài viết hôm nay sẽ cung cấp cho các bạn một góc nhìn về câu chuyện rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên.

 

1. Tầm quan trọng của kỹ năng mềm

Năng lực một cá nhân được cấu tạo bởi 3 thành tố: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong đó kỹ năng là thành tố chiếm trọng số, bao gồm kỹ năng cứng – áp dụng trong công việc và kỹ năng mềm – áp dụng trong mọi khía cạnh của đời sống. Kỹ năng là thứ không tự đến với bản thân nếu chỉ thông qua đọc và quan sát, mà phải thông qua quá trình trải nghiệm thực sự. Bởi lẽ khi bắt tay vào làm cùng một việc, mỗi người lại gặp những trở ngại, vấn đề riêng. Điều này dẫn đến thời gian để khắc phục những rào cản, để thành thạo một kỹ năng và mức độ tích luỹ giữa các cá nhân là không giống nhau.

Bất kỳ một tác vụ nào, một công việc nào cũng cần sự kết hợp của một hoặc nhiều kỹ năng trong từng trường hợp cụ thể. Kiểm toán độc lập là một ngành nghề cung cấp dịch vụ, khối lượng công việc lớn nên vai trò của kỹ năng là cực kỳ quan trọng. Các bạn sẽ cần thành thạo những kỹ năng cứng để xử lý nhanh công đoạn lên working paper, vừa phải trang bị kỹ năng mềm tốt để trao đổi, giải quyết công việc với khách hàng một cách hiệu quả và tối ưu về mặt thời gian.

Ngoài ra, khi kiến thức được rèn luyện thường xuyên trên giảng đường cũng như quá trình tự học, tự trải nghiệm, thì kỹ năng sẽ là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các thí sinh, giúp các bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng khi phỏng vấn cá nhân, thông qua những câu chuyện của bạn trong quá khứ.

2. Thực trạng và nguyên nhân

Không thiếu những trường hợp sinh viên do chưa có nhận thức đúng đắn về kỹ năng mềm nên đã dành nhiều thời gian để rèn luyện qua nhiều hình thức như đi làm thêm, tham gia CLB, hoạt động đoàn thể,… nhưng kết quả nhận lại không tốt hơn là mấy. Ví dụ, có bạn đi làm thêm mỗi nơi chỉ một thời gian ngắn rồi nghỉ vì cảm thấy không phù hợp hoặc quá áp lực. Có bạn lại dành quá nhiều thời gian để đi làm, tham gia CLB mà không cân bằng với việc học trên trường, kết quả là GPA thấp. Điều này có thể dẫn đến khi viết CV để ứng tuyển vào các công ty, các bạn không tự trả lời được những kỹ năng mềm mình đang có và giúp ích thế nào cho vị trí công việc.

Thực trạng trên có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sau: Thứ nhất là chỉ hiểu chung chung về kỹ năng mềm nhưng lại thiếu thông tin về những kỹ năng thực sự cần thiết đối với vị trí công việc khi ra trường, dẫn đến đi làm thêm, tham gia CLB tràn lan theo phong trào. Thứ hai là có xác định được những kỹ năng cần thiết nhưng lại thiếu tính kiên trì, nhẫn nại dẫn đến thời gian gắn bó với chỗ làm, hội nhóm chưa đủ lâu để có thể hình thành kỹ năng. Thứ ba là có hình thành được kỹ năng nhưng không áp dụng được trong việc cân đối giữa học tập và hoạt động ngoại khoá, dẫn đến GPA thấp.

Có lẽ nhiều bạn sẽ nghĩ rằng chỉ cần có thế mạnh về kỹ năng, còn điểm số trên trường không quan trọng. Đó là một hướng suy nghĩ tương đối rủi ro. Khi ứng tuyển vào vị trí thực tập sinh/trợ lý kiểm toán, bộ phận tuyển dụng sẽ đánh giá CV một cách tổng thể, và GPA là một trong số đó. Số lượng nộp đơn hàng năm là vô cùng lớn, sẽ có nhiều bạn vừa có GPA cao, vừa có kỹ năng mềm… Nếu không nổi bật hơn hẳn các thí sinh khác về hoạt động ngoại khoá, liệu nhà tuyển dụng có lựa chọn một hồ sơ như vậy hay không?

 

Còn tiếp…