So sánh cơ hội nghề nghiệp giữa Kế toán và Kiểm toán

Khi hỏi các bạn sinh viên về mục tiêu học đại học hay mục tiêu nghề nghiệp, nhiều bạn còn khá mông lung sau này có nên theo ngành mình đang học không hay chuyển hướng sang một ngành khác. Vì chưa có gì rõ ràng nên các bạn ấy cũng không biết mình cần chuẩn bị những gì, học những gì để đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng. Bài viết này sẽ gợi mở cho các bạn về cơ hội nghề nghiệp giữa kế toán và kiểm toán, với mong muốn giúp các bạn xác định mục tiêu khi ra trường và có sự chuẩn bị phù hợp khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

1. Cơ hội nghề nghiệp của kế toán

Đối với kế toán, nội dung công việc có thể gói gọn trong 3 từ: ghi nhận – kiểm soát – báo cáo. Khi một doanh nghiệp đi vào hoạt động, các giao dịch giữa doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức có thể đo lường được bằng tiền sẽ được ghi nhận lại bằng các bút toán, vì vậy kế toán còn được gọi là ngôn ngữ kinh doanh. Sản phẩm của kế toán thường gặp sẽ là: báo cáo tài chính và các báo cáo thuế.

Tuỳ ngành nghề kinh doanh (sản xuất, thương mại, dịch vụ…) và quy mô doanh nghiệp, mà cách tổ chức bộ máy kế toán sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung kế toán có thể chia thành các phần hành: kế toán thanh toán, kế toán công nợ, kế toán tiền lương, kế toán giá thành, kế toán kho, kế toán thuế… Ở các vị trí cao hơn sẽ có kế toán tổng hợp, kế toán trưởng và giám đốc tài chính (nếu có). Khi ra trường, các bạn có thể ứng tuyển vào vị trí thực tập sinh kế toán tại các công ty, sau đó dựa trên sự phát triển năng lực mà vị trí công việc kế toán sẽ thay đổi, từ các phần hành đơn giản đến phức tạp.

Một hướng đi khác là kế toán dịch vụ, nội dung công việc là làm sổ sách, báo cáo kế toán khi được các doanh nghiệp thuê (outsourcing). Hướng này sẽ giúp các bạn có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau, kiến thức kế toán sẽ là sự tổng hợp của toàn bộ các chu trình chứ không bó buộc ở một phần hành tại một loại hình cụ thể như kế toán doanh nghiệp. Cũng vì vậy mà yêu cầu về mặt năng lực sẽ cần sự tổng hợp một cách có hệ thống.

2. Cơ hội nghề nghiệp của kiểm toán

Trong phạm vi bài viết này sẽ đề cập đến kiểm toán độc lập (cụ thể là kiểm toán tài chính), do đây là hướng mà các bạn sinh viên thường nhắm đến khi ra trường. Trước hết, ta cần tìm hiểu các loại hình doanh nghiệp cần kiểm toán, bao gồm:

  • Doanh nghiệp nhà nước
  • Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)
  • Công ty có lợi ích công chúng (biểu hiện thường thấy là các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán)
  • Tổ chức tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán

Theo quy định, hàng năm, các công ty này cần nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán, đây cũng là sản phẩm của nghề kiểm toán. Xuất phát từ nhu cầu sử dụng thông tin (ví dụ như nhà đầu tư muốn thông tin tài chính được phản ánh trung thực để đưa ra quyết định, trong khi người làm kế toán có thể “làm đẹp” số liệu để thu hút nhà đầu tư). Sự mâu thuẫn về mặt lợi ích khiến vai trò của kiểm toán xuất hiện từ đây.

Như vậy, có thể hiểu rằng một góc độ công việc của kiểm toán là kiểm tra số liệu kế toán. Do vậy, để làm được công việc kiểm toán thì cần có kiến thức về kế toán. Đặc thù của nghề kiểm toán là phải đi công tác tại doanh nghiệp khách hàng tại nhiều tỉnh thành, được tiếp cận với nhiều ngành nghề kinh doanh nên cơ hội học hỏi nhiều hơn. Đánh đổi lại thì khối lượng công việc sẽ nhiều, deadline dày đặc, thường xuyên phải di chuyển nên rất cần chuẩn bị tốt cả yếu tố tinh thần lẫn sức khỏe.

Ngoài ra, ngành kiểm toán có lộ trình thăng tiến tương đối rõ ràng và nhanh chóng, có thể tóm tắt như sau:

  • Thực tập sinh kiểm toán (Audit Intern)
  • Trợ lý kiểm toán (Audit assistant/ Staff/ Associate)
  • Trưởng nhóm kiểm toán (Senior)
  • Phó phòng kiểm toán (Assistant Manager)
  • Trưởng phòng kiểm toán (Manager)
  • Giám đốc kiểm toán (Director)
  • Chủ phần hùn vốn Kiểm toán (Partner)

Ngoài ra môi trường kiểm toán cho bạn nhiều cơ hội học tập tại các loại hình doanh nghiệp khác nhau, nên sau khi rời kiểm toán có thể chuyển sang vị trí kế toán cấp cao, hoặc chuyển sang các mảng khác như tư vấn, quản trị rủi ro… cơ hội sẽ rộng mở hơn so với kế toán.

Như vậy, dù học kế cũng có thể làm kiểm hay dù học kiểm cũng có thể làm kế. Điều quan trọng ở đây là sự chuẩn bị phù hợp với tính chất từng công việc, đánh đổi giữa thời gian, áp lực công việc và khả năng học hỏi, phát triển. Hy vọng các bạn sẽ có cho mình những thông tin hữu ích và từng bước xây dựng lộ trình chuẩn bị cho hành trang đầu đời.